1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

"Dị thú" không mắt thời cổ đại, sử dụng "cà kheo" để đi lại

Minh Khôi

(Dân trí) - Dài xấp xỉ 6cm và nằm gọn trong lòng bàn tay, sinh vật kỳ quái này không hề có mắt, và dùng cặp chi rất dài để "dò đường", cũng như kiếm ăn dưới đáy biển.

Dị thú không mắt thời cổ đại, sử dụng cà kheo để đi lại - 1

Ảnh mô phỏng về loài Tomlinsonus dimitrii với cặp chân "cà kheo" (Ảnh: ROM).

Các nhà cổ sinh vật học mới đây đã phát hiện ra một loài động vật cổ đại được bảo quản trong điều kiện đặc biệt tốt gần bờ phía đông của Hồ Simcoe, miền nam Ontario, Canada.

Loài động vật được đặt tên "Tomlinsonus dimitrii" là đại diện của nhóm động vật chân đốt đã tuyệt chủng, còn gọi là "marrellomorphs" sống cách đây khoảng 450 triệu năm, trong thời kỳ Ordovic. 

Trong khi các hóa thạch khác trong khu vực thường chứa các bộ phận cơ thể bị khoáng hóa toàn bộ, thì mẫu vật Tomlinsonus dimitrii được phát hiện vẫn giữ được toàn bộ phần thân mềm. Điều này đã khiến các nhà khảo cổ bất ngờ.

Joseph Moysiuk - tác giả chính của nghiên cứu, thừa nhận ông và các cộng sự không mong đợi tìm thấy một loài thân mềm tại địa điểm này.

"Khi nói về hóa thạch, chúng ta thường nghĩ đến những thứ như xương khủng long hay vỏ cứng. Tuy nhiên, việc bảo quản mô mềm là rất hiếm và chỉ có một số địa điểm nhất định trên thế giới từng ghi nhận sinh vật thân mềm được tìm thấy", Moysiuk cho biết.

Dài xấp xỉ 6cm và nằm gọn trong lòng bàn tay, mẫu vật sở hữu một tấm chắn ở phần đầu với kết cấu đặc biệt công phu, gồm hai "sừng" cong được bao phủ bởi các gai nhọn tựa như lông vũ.

Cơ thể của sinh vật thân mềm có phân đoạn giống với các động vật chân đốt khác, chẳng hạn như côn trùng hay nhện. Tuy nhiên, ngay dưới phần đầu, chúng có một cặp chi rất dài, ở đầu chia nhánh thành thứ giống như bàn chân.

Dị thú không mắt thời cổ đại, sử dụng cà kheo để đi lại - 2

Hóa thạch Tomlinsonus dimitrii (trái) và bản vẽ đường nét của mẫu vật (Ảnh: ROM).

Moysiuk cho rằng sinh vật này có thể đã sử dụng hai chi trước tựa như "cà kheo" khi chúng tìm đường di chuyển dưới đáy biển. Giả thuyết này được ủng hộ vì chúng không hề có mắt.

"Những sinh vật này đã được chôn vùi tại chính xác nơi mà chúng từng sống. Nói cách khác, những gì chúng ta đang thấy giống như một thước phim "đóng băng" của thời gian", Moysiuk nhận định.

Được biết, khu vực phát hiện ra mẫu vật - Hồ Simcoe từng bị nhấn chìm trong nước, và trở thành một phần của vùng biển nhiệt đới nông bao phủ phần lớn khu vực ngày nay là Canada. Trải qua hàng triệu năm, đáy biển bị bao phủ bởi lớp trầm tích do các cơn bão gây ra.

Chính bởi lý do này, theo lý giải của Moysiuk, đáy biển đã trở thành "mồ chôn" của hàng triệu sinh vật đang sinh sống trong nhiều giai đoạn, với cùng cách thức là chúng bị vùi lấp bởi những dòng bùn lớn.

Moysiuk và các cộng sự của ông hy vọng rằng khám phá mới này sẽ giúp "thu hẹp khoảng cách" trong hồ sơ hóa thạch của nhóm động vật chân đốt, trong một bài báo được công bố ngày 24/3 trên Tạp chí Cổ sinh vật học.

Theo www.sciencealert.com