Đi săn tê giác, bầy sư tử nhanh chóng nhận ra bài học đắt giá

Minh Khôi

(Dân trí) - Bất chấp sự bền bỉ của bầy sư tử, khả năng xoay xở ấn tượng của tê giác khiến đây trở thành cuộc đấu không cân sức.

Bầy sư tử đụng độ tê giác và cái kết (Video: Maasai Insights).

Tê giác là một trong những động vật trên cạn lớn nhất còn tồn tại. Không chỉ vậy, chúng còn sở hữu khả năng tự vệ đáng kinh ngạc. Chính bởi vậy, tê giác gần như không thể trở thành con mồi trong tự nhiên, bất chấp việc kẻ thù có là sư tử, cá sấu hay linh cẩu.

Đoạn video được ghi lại ở Khu bảo tồn Quốc gia Maasai Mara, Kenya (Nam Phi) đã chứng minh điều này, khi bầy sư tử không thể tìm được cách để tấn công một con tê giác trưởng thành.

Bất chấp việc những con sư tử không ngừng bao vây và chạy xung quanh tìm kẽ hở để lao đến, tê giác vẫn bình tĩnh xoay trở, và hướng cái sừng cực nhọn của nó về phía kẻ tấn công.

Với kích thước của mình, nhiều bình luận cho rằng tê giác trông giống như một "cỗ xe tăng", nhưng có khả năng quay 360 độ cực kỳ linh hoạt. Nhờ ưu thế vượt trội này, sư tử gần như không thể nhảy lên lưng tê giác giống như các con mồi khác.

Sau một hồi vây hãm, những con sư tử dần nhận ra sự thật rằng không một loài vật nào có thể đi săn tê giác trong tự nhiên.

Khi chú tê giác thứ 2 xuất hiện, bầy sư tử tỏ ra khá chưng hửng, và không còn ý định tấn công. Chúng giữ khoảng cách với con mồi. Ngay cả sư tử đực đầu đàn cũng tỏ ra vô cùng ngán ngẩm trước đối thủ "khó xơi", và chọn cách đứng ngoài cuộc giao đấu.

Đi săn tê giác, bầy sư tử nhanh chóng nhận ra bài học đắt giá - 1

Tê giác nằm trong số ít những loài động vật không thể bị săn ở Châu Phi (Ảnh: Getty).

Tê giác là động vật ăn cỏ, có thị lực kém, nhưng sở hữu khứu giác và thính giác rất nhạy bén. Cùng với đó là khả năng di chuyển linh hoạt đáng kinh ngạc, nếu so với tỷ lệ kích thước với chúng.

Điều tạo nên sự đặc trưng của tê giác là một hoặc hai chiếc sừng mọc trên sống mũi được hình thành từ các lớp collagen nằm trong cấu trúc mạng tinh thể. Cùng với đó, chúng cũng sở hữu lớp da bảo vệ dày từ 1,5 đến 5 cm.

Là loài vật tương đối hiền lành, tê giác thường chỉ tấn công khi tự vệ. Lúc này, chúng chúc đầu lao tới, sau đó dùng cặp sừng để đẩy đối phương lùi lại, hoặc húc tung lên trời.

Tê giác trắng phương nam từng được xem là một trong những loài nguy cấp nhất thế giới. Loài này đã cận kề bờ vực tuyệt chủng với chỉ ít hơn 20 cá thể duy nhất còn lại trong một khu bảo tồn ở Nam Phi vào khoảng đầu thế kỷ 20, cuối thế kỷ 19.

Thế nhưng, thông qua nhiều nỗ lực bảo tồn cực kỳ mạnh mẽ, các quần thể nhỏ tê giác trắng đã dần dần hồi phục. Tiêu biểu nhất phải kể tới công viên Hluhluwe Imfolozi (HiP), KwaZulu-Nata, Nam Phi - đơn vị đi đầu trong việc chống lại các băng nhóm tội phạm để bảo tồn tê giác.

Vào năm 1980, số lượng tê giác trắng ghi nhận tăng mạnh lên đến 840 cá thể. Đến năm 2011, số lượng cá thể loài này tiếp tục tăng lên đến hơn 17.000, phân bổ chủ yếu ở HiP.

Đến nay, theo Save the Rhino - một tổ chức bảo vệ tê giác - số lượng tê giác trắng phương nam sau một thời gian trên bờ tuyệt chủng đã hồi phục trở lại với số lượng hơn 20.000 con trên toàn thế giới.