1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Đau lòng hình ảnh tê giác mẹ đang mang thai và con bị săn trộm bắn chết

(Dân trí) - Những hình ảnh ghi lại hình ảnh tê giác mẹ và con đều bị bọn săn trộm bắn chết, trong đó tê giác mẹ đang mang thai sắp sinh khiến cho bào thai bên trong cũng bị chết, khiến nhiều người cảm thấy đau lòng, nhất là khi số lượng tê giác đang ngày càng giảm sút.

Sự việc xảy ra khi hai mẹ con tê giác đang đi cùng nhau tại Vườn quốc gia Pilanesberg, thị trấn Mogwase (Nam Phi) thì bị bọn săn trộm bắn chết cả hai. Trong khi bọn săn trộm đang cưa sừng của tê giác mẹ, phần được xem là có giá trị nhất của tê giác, thì bị lực lượng kiểm lâm phát hiện nên đã bỏ trốn trước khi kịp cắt đứt chiếc sừng.

Điều đáng nói là tê giác mẹ đang mang thai và chuẩn bị sinh, nên lực lượng kiểm lâm đã cố gắng cứu sống thai nhi của tê giác con, tuy nhiên đáng tiếc thai nhi này đã chết trong cơ thể của mẹ khi mà còn một thời gian nữa thì được chào đời.


Hình ảnh hai mẹ con tê giác bị bắn chết khiến nhiều người cảm thấy đau lòng

Hình ảnh hai mẹ con tê giác bị bắn chết khiến nhiều người cảm thấy đau lòng

Đại diện của Vườn quốc gia Pilanesberg cho biết tê giác mẹ đã được 8 tuổi, còn tê giác con mới được 2 tuổi. Tê giác con trong bụng của mẹ đáng ra sẽ được chào đời vào tháng 2 năm sau.

“Không còn lời nào để nói”, đại diện Vườn quốc gia Pilanesberg cho biết. “Mẹ con tê giác bị bắn chết bởi những kẻ săn trộm. Sừng tê giác vẫn còn lại khi những kẻ săn trộm bỏ trốn khỏi hiện trường khi nghe thấy tiếng xe của lực lượng kiểm lâm. Tê giác mẹ đang mang thai”.

Vườn quốc gia Pilanesberg cũng cho biết sẽ treo thưởng cho những ai cung cấp bất kỳ thông tin nào dẫn đến việc bắt giữ và truy tố những kẻ săn trộm.


Những kẻ săn trộm đã bỏ trốn mà chưa kịp cắt đứt sừng của tê giác mẹ.

Những kẻ săn trộm đã bỏ trốn mà chưa kịp cắt đứt sừng của tê giác mẹ.

“Chúng tôi đã mất 16 tê giác và 3 tê giác con chưa chào đời trong năm 2017”, đại diện của Vườn quốc gia Pilanesberg cho biết thêm. “Sự mất mát này không phải do sự thiếu quan tâm hoặc thiếu nỗ lực của Ban quản lý Công viên, mà vì đây là một công viên rộng lớn với nhiều thung lũng và đồi, là một khu vực rất khó khăn để kiểm soát hết”.

Tính từ năm 2007, đã có hơn 6.000 con tê giác bị bắn chết và lấy cắp sừng chỉ tính riêng tại Nam Phi. Con số này đã tăng mạnh trong 4 năm gần đây với gần 1.000 con tê giác bị giết mỗi năm kể từ 2013. Tỉnh KwaZulu-Natal, khu vực có mật độ tê giác lớn nhất tại Nam Phi, đã ghi nhận 139 trường hợp tê giác bị giết chết trong năm nay.

Đôi khi tê giác bị bắn chết, trong một số trường hợp khác chúng bị bắn bằng súng thuốc mệ, trước khi bị những kẻ săn trộm cưa đứt sừng, để lại con tê giác bị thương rồi chảy máu đến chết một cách từ từ và đau đơn.


Tê giác con trong bụng mẹ cũng đã bị tử vong.

Tê giác con trong bụng mẹ cũng đã bị tử vong.

Sừng tê giác sau khi bị lấy trộm thường được bán qua các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia hay Ấn Độ... khi nhiều người ở các quốc gia này tin rằng sừng tê giác có giá trị về mặt y học. Tuy nhiên trên thực tế các nhà khoa học đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận điều này.

Theo các nhà khoa học, sừng tê giác được tạo nên từ một loại protein có tên là keratin, cùng với chất có trong móng tay và tóc của con người. Sừng tê giác về cơ bản là một tập hợp khối lượng của lông tê giác được phát triển trong suốt đời của con vật, giống như tóc và móng tay người. Cấu trúc sừng tê giác cũng tương tự như móng ngựa, mỏ vẹt... tuy nhiên những loài động vật này lại không bị săn bắt một cách tràn lan như tê giác.

Những truyền thống và niềm tin văn hóa ở một số quốc gia châu Á đang khiến cho nhu cầu về sừng tê giác không hề bị giảm đi, mặc dù số lượng tê giác trong tự nhiên đang ngày càng giảm sút. Những kẻ săn trộm hiện đang sử dụng nhiều thủ pháp tinh vi để qua mặt các cơ quan chức năng nhằm cung cấp sừng tê giác đi khắp thế giới. Giá 1kg sừng tê giác có trí trị ước tính 30.000USSD, thậm chí còn giá trị hơn 1kg vàng với giá ước tính 25.000USD

T.Thủy
Tổng hợp