Đảo Phục Sinh từng có chiến tranh và ăn thịt đồng loại?

(Dân trí) - Trong các tài liệu khoa học phổ biến, người ta đã viết nhiều về sự sụp đổ của đảo Phục Sinh (ở Chile, được UNESCO công nhận là một di sản thế giới). Cuốn “Sụp đổ” của nhà khoa học người Mĩ Jared Diamond năm 2005 viết về những điều ghê rợn đã diễn ra trên đảo trong nhiều thế kỉ sau khi bị người Pô-li-nê-di xâm lược vào khoảng năm 1200 sau Công nguyên.

Cuốn sách viết rằng sự cạnh tranh giữa các bộ tộc là nguồn gốc để người dân đảo dựng hàng trăm bức tượng "moai" ngày càng to hơn ("moai" là những bức tượng trên đảo, to hơn mẫu thật ngoài đời và được tạc từ đá).

Đảo Phục Sinh từng có chiến tranh và ăn thịt đồng loại? - Ảnh 1.

Cuộc ganh đua quyết liệt này cùng với sự tăng dân số là nguyên nhân dẫn đến khai thác quá mức các nguồn tài nguyên, đẩy người dân Rapanui (tên riêng của thổ dân sống trên đảo Phục Sinh thời đó) vào tình trạng liều lĩnh tuyệt vọng, thậm chí trở thành những kẻ ăn thịt đồng loại, và người châu Âu khi đặt chân đến đây vào thế kỉ XVIII đã bắt gặp một xã hội đã suy tàn.

Tuy nhiên, gần đây, các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu những mỏ đá cổ, các dụng cụ bằng đá và nhiều nguồn tư liệu khác và phác họa nên một bức tranh hoàn toàn khác về quá khứ của đảo PhụcSinh trước khi có sự giao thiệp với người châu Âu. Nghiên cứu mới này vừa được công bố ngày 13/8/2018 trên Tạp chí Khảo cổ học Thái Bình Dương.

Theo kết quả nghiên cứu, Rapanui ngày nay nổi tiếng nhất về 1.000 bức tượng "moai" có bệ và một số tượng còn được trang điểm thêm bằng những chiếc mũ hình trụ - "pukao" theo tiếng địa phương. Các tượng đá này nặng khoảng 82 tấn và nằm khắp ven đảo, gây ngạc nhiên bởi chúng được dựng lên mà không hề có sự trợ giúp của các xe lăn hay thú kéo.

Nghiên cứu khảo cổ trước đây cho biết không bộ tộc nào có đủ nguồn nguyên liệu đá trong lãnh địa của mình để tạc nên những bức tượng khổng lồ như vậy, và chỉ có một số mỏ là có loại đá tốt hơn. Ví dụ: hầu hết các "moai" làm từ đá của 1 nguồn đá túp duy nhất, và phần lớn các "pukao" lại được làm từ đá scoria đỏ lấy từ nhiều mỏ đá khác nhau. Trong nghiên cứu mới đây, Giáo sư Khảo cổ học Dale Simpson củaTrường đại học DuPage ở Illinois, Mỹ đã bắt đầu điều tra nguồn gốc của các công cụ bằng đá ba-dan được dùng để tạc nên các "moai".

Giáo sư Simpson cho biết "mỗi mỏ đá giống như một ngón tay và mỗi tảng đá lấy ra khỏi mỏ đều để lại dấu vết riêng của nó." Ông cùng đồng nghiệp đã tìm cách khớp các dấu vết địa hóa trong tập hợp 21 chiếc đục và rìu bằng đá ba-dan với các mỏ đá ba-dan trên đảo, và nhóm của ông rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng những chiếc đục và rìu đá kia chủ yếu là làm từ đá của cùng một khu mỏ mặc dù trên đảo có nhiều nơi khác cũng có đá ba-dan.

Hình thái "tối thiểu nguồn cung – tối đa sử dụng" cho thấy một dạng hợp tác giữa các bên để cùng làm việc. Nói cách khác, các bộ tộc đã có một hệ thống trao đổi hàng hóa cho phép họ ra vào lãnh địa của nhau để chia sẻ tài nguyên. Và Giáo sư Simpson nói rằng "điều đó cho thấy sự sụp đổ của xã hội ở đó không phải do các bộ tộc tranh giành nhau để xây tượng to hơn".

Đồng tác giả của nghiên cứu này, Nhà khảo cổ học JoAnne Van Tilburg của Trường đại học California, Los Angeles, Mĩ, đồng thời là giám đốc Dự án nghiên cứu tượng đảo Phục Sinh, cho rằng các kết quả nghiên cứu chứng tỏ có sự chuyên môn hóa trong chế tác dựa trên cơ sở có sự trao đổi thông tin, mặc dù cho đến nay chúng ta vẫn chưa thể biết chắc sự trao đổi thông tin đó mang tính hợp tác hay không.

Ý kiến khách quan của Giáo sư nhân chủng học Carl Lipo của Trường đại học Binghamton, Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu trên, là các phát hiện này rất quan trọng vì chúng cho thấy những giả định cũng như hiểu biết trước đây về cuộc sống trên đảo đã quá khác so với thực tế. Trong 20 năm vừa qua tiến hành nghiên cứu khảo sát tại đảo, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những bằng chứng đối nghịch với những truyền thuyết.

Tuy nhiên, ông cũng nêu lên chưa có bằng chứng khảo cổ nào chứng minh có sự kiểm soát có sự phân phối theo một tiêu chuẩn nào đối với các nguồn nguyên vật liệu đó, vì thế dẫn đến một nhận định mới về xã hội Rapanui trước khi có sự giao thiệp với người ngoài đảo, đó là: đảo không hề có chế độ thủ lĩnh tối cao mà dường như các cộng đồng cùngchia sẻ tài nguyên thiên nhiên mà không hề xảy ra chiến tranh.

Hiện nay vẫn còn hàng nghìn người Rapanui sống trên đảo. Nghiên cứu khảo cổ khác cho thấy dân số trên đảo đạt mức cao nhất vàokhoảng thời gian những người châu Âu đầu tiên đến đây vào năm 1722 (thế kỉ XVIII), sau đó sụt giảm sâu vào thế kỉ XIX. Một nghiên cứu khác của Giáo sư Simpson phát hiện ra rằng những tác động do bị người châu Âu đô hộ, như là bệnh dịch, bạo hành và lao động cưỡng bức, là những chất xúc tác cơ bản nhất dẫn đến sự thay đổi về văn hóa Rapanui.

Phạm Hường (Theo Live Science)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm