1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Đàn sư tử bất lực trước sự phản kháng của hươu cao cổ

(Dân trí) - Hươu cao cổ đôi lúc là con mồi yêu thích của sư tử, song không phải lúc nào sư tử cũng đạt được mục đích của mình. Clip sau đây sẽ là một minh họa rõ nét về việc sư tử không chỉ thất bại mà còn bị dính nhiều đòn khá đau trước sự phản kháng quyết liệt của hươu cao cổ.

Chi Hươu cao cổ (tên khoa học Giraffa) là một chi các động vật có vú thuộc bộ Guốc chẵn, là động vật cao nhất trên cạn và động vật nhai lại lớn nhất. Nó được phân loại trong họ Giraffidae, cùng với họ hàng gần nhất còn tồn tại của nó là hươu đùi vằn. Chi có 11 loài, bao gồm loài điển hình Giraffa camelopardalis. Trong số này, có bảy loài tiền sử đã tuyệt chủng được biết đến qua các hóa thạch, còn bốn loài hiện còn sống.

Hươu cao cổ có phạm vi phân bố rải rác từ Tchad ở miền bắc đến Nam Phi ở miền nam, và từ Niger ở miền tây đến Somalia ở miền đông châu Phi. Hươu cao cổ thường sống ở xavan, đồng cỏ và rừng thưa. Nguồn thức ăn chính của chúng là lá cây keo mà chúng gặm ở độ cao mà hầu hết động vật ăn cỏ khác không thể với tới. Sư tử có thể săn hươu cao cổ, và con non là mục tiêu của báo hoa mai, linh cẩu đốm và chó hoang châu Phi. Trong các trận đánh khi cổ được dùng làm vũ khí, con đực dùng cách này củng cố hệ thống cấp bậc xã hội.

Ở trong clip này, lợi thế về chiều cao đã khiến sư tử không thể tấn công trực tiếp vào cổ của hươu cao cổ, đây là đòn khá sở trường của sử tử nhằm làm con mồi mất máu và tử vong. Với việc chỉ cố tấn công vào phần sau thì sư tử đã nhận trái đắng khi liên tục dính đòn chân của hươu cao cổ.

Nguyễn Hùng

Video: YouTube