1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Đại dương đổi dần sang màu xanh lá và nỗi lo của giới khoa học

Phạm Hường

(Dân trí) - Hơn 56% các đại dương trên Trái Đất đang đổi màu trong 20 năm qua. Vẫn chưa ai biết chính xác nguyên nhân, cho dù có nghi ngờ do biến đổi khí hậu.

Đại dương đổi dần sang màu xanh lá và nỗi lo của giới khoa học - 1

Một bãi biển ở đảo Thiên Đường, Bahamas. Các nhà khoa học cho biết các đại dương, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới, đang chuyển dần sang màu xanh lá. Điều này cho thấy các hệ sinh thái đang biến đổi nhanh chóng (Ảnh: Getty).

Các đại dương xanh thẳm của Trái Đất đang nhạt dần màu xanh đặc trưng vốn được gọi là xanh nước biển và ngả dần sang màu xanh lá. Các nhà khoa học không biết rõ vì sao, nhưng họ ngờ rằng nguyên nhân là do con người.

Hình ảnh do vệ tinh chụp trong suốt 20 năm qua cho thấy hơn 56% đại dương đang đổi màu nhanh chóng, nhất là ở các vùng nhiệt đới. Các nhà khoa học lo ngại rằng sự thay đổi này có thể là dấu hiệu báo trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu về chuỗi thức ăn ở đại dương do hành tinh của chúng ta ấm lên.

Nhà nghiên cứu B.B.Cael ở Trung tâm Hải dương học Southamton, Anh, cho biết đây là một bằng chứng bổ sung cho thấy các hoạt động của con người đang ảnh hưởng xấu đến sự sống ở mọi nơi trên Trái Đất.

Đại dương màu xanh lá nghĩa là thêm nhiều sự sống, điều này không hẳn là tốt

Màu của đại dương cho chúng ta biết nhiều về "sức khỏe" của biển. "Lý do chúng ta quan tâm đến màu của nó là vì màu sắc phản ánh những biến đổi của hệ sinh thái." - Giáo sư Cael cho biết.

Màu của nước biển phụ thuộc vào lớp nước trên cùng của cột nước chứa những gì. Một vùng biển xanh thẳm không có nhiều sự sống ở tầng nước trên cùng này.

Nhưng khi nước biển chuyển sang màu xanh lá, điều đó có nghĩa là biển đang tràn ngập thực vật phù du, tức là những sinh vật nhỏ bé có thể sử dụng ánh sáng mặt trời để hấp thụ carbon và biến carbon thành đường, cũng giống như các loài cây vẫn thường làm.

Trong nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học sử dụng ảnh do vệ tinh của NASA cung cấp. Những bức ảnh này được vệ tinh chụp với mục đích giám sát những thay đổi về màu sắc của nước biển trong hơn 2 thập kỷ qua.

Đại dương đổi dần sang màu xanh lá và nỗi lo của giới khoa học - 2

Hầu hết các đại dương đều đang chuyển sang màu xanh lá (Ảnh minh họa: Getty).

Họ nhận thấy rằng cho dù một số đại dương ngày càng đỏ hơn hoặc xanh dương hơn một chút, nhưng hầu hết các đại dương đều trở nên xanh lá hơn, tức là ở những vùng này có nhiều thực vật phù du hơn. Điều này không hẳn là tốt.

Mặc dù những sinh vật phù du này rất quan trọng đối với hệ sinh thái biển - chúng tạo thành nền tảng của chuỗi thức ăn phức tạp nuôi sống mọi thứ từ chim biển đến cá voi - nhưng hệ sinh thái đại dương được điều chỉnh rất tinh vi và bất kỳ thay đổi nào đối với hệ sinh thái đều có thể tác động xuyên suốt chuỗi thức ăn.

Mọi thay đổi đều đang gây mất cân bằng cho cơ cấu tổ chức tự nhiên của các hệ sinh thái. Sự mất cân bằng đó sẽ chỉ ngày càng tồi tệ hơn nếu các đại dương tiếp tục ấm lên. Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Stephanie Dutkiewicz ở Khoa Khoa học Trái Đất, Khí quyển và Hành tinh, Viện Công nghệ Masachussette, Mỹ.

Các nhà khoa học đang khẩn trương tìm hiểu xem vì sao nước biển lại đổi màu

Hiện nay, những thay đổi này chưa trầm trọng đến mức gây ra một cuộc "cách mạng" đối với hệ thống thức ăn ở các đại dương, tuy nhiên chúng cũng ở mức gây kinh ngạc khi nhìn vào các kết quả quan sát.

Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu để tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra những biến đổi về màu của nước biển để dự báo tốt hơn sự tiến hóa của các đại dương khi Trái Đất ấm lên.

Một trong những nhận định khoa học cho rằng nhiều yếu tố cùng thay đổi dẫn đến việc nước biển đổi màu, chẳng hạn như ô nhiễm vi nhựa cũng là một nguyên nhân.

Theo www.businessinsider.com