Đại dương đang chuyển sang màu xanh lục
(Dân trí) - Màu sắc của đại dương trên Trái Đất đang có sự biến đổi lớn nhất sau hàng thập kỷ. Đây là hệ quả của biến đổi khí hậu.
Trong một nghiên cứu mới được công bố, các nhà khoa học từ Trung tâm Hải dương học Quốc gia Vương quốc Anh, cho biết 56% bề mặt đại dương toàn cầu đã trải qua sự thay đổi đáng kể về màu sắc.
Nghiên cứu dựa trên phân tích dữ liệu màu sắc đại dương từ thiết bị đo quang phổ MODIS trên vệ tinh Aqua của NASA cho thấy trong 20 năm qua, đại dương dần chuyển từ màu xanh lam quen thuộc, sang màu xanh lục của lá cây.
Đó có thể là bởi sự biến đổi tự nhiên của chất diệp lục đang trở nên cao hơn do xu hướng biến đổi khí hậu.
"Chúng có thể là kết quả của tập hợp những sinh vật phù du khác nhau, hoặc sự xuất hiện của nhiều hạt có hại hơn, như ô nhiễm vi nhựa", các nhà khoa học dự án cho biết.
Những gì chúng ta biết là trong 20 năm qua, đại dương đã trở nên phân tầng hơn. Lớp nước ở bề mặt đã hấp thụ lượng nhiệt dư thừa từ khí hậu ấm lên. Kết quả là chúng ít có khả năng hòa trộn với các lớp giàu dinh dưỡng ở tầng sâu hơn.
Kịch bản này sẽ ưu tiên các sinh vật phù du thích nghi với môi trường nghèo dinh dưỡng, trong bối cảnh nước biển đã trở nên phân tầng rõ rệt.
Hiện nay, những thay đổi này chưa trầm trọng đến mức gây ra một cuộc "cách mạng" đối với hệ thống thức ăn ở các đại dương, tuy nhiên chúng cũng ở mức gây kinh ngạc khi nhìn vào các kết quả quan sát.
Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu để tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra những biến đổi về màu của nước biển để dự báo tốt hơn sự tiến hóa của các đại dương khi Trái Đất ấm lên.
Mọi thay đổi đều đang gây mất cân bằng cho cơ cấu tổ chức tự nhiên của các hệ sinh thái. Sự mất cân bằng đó sẽ chỉ ngày càng tồi tệ hơn nếu các đại dương tiếp tục ấm lên.
Đây là nhận định của nhà nghiên cứu Stephanie Dutkiewicz ở Khoa Khoa học Trái Đất, Khí quyển và Hành tinh, Viện Công nghệ Masachussette, Mỹ.