1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Cuộc sống tại thành phố lạnh nhất thế giới ở -60 độ C

Minh Khôi

(Dân trí) - Nằm ở Siberia, thành phố Yakutsk là một trong những vùng lạnh lẽo và thưa dân nhất thế giới, đã ghi nhận mức nhiệt xuống thấp tới -60 độ C.

Cuộc sống tại thành phố lạnh nhất thế giới ở -60 độ C - 1

Một nhà thờ ở Yakutsk, Siberia trong ngày ghi nhận nhiệt độ xuống tới -60 độ C (Ảnh: Getty Images).

Nhắc đến lục địa lạnh nhất thế giới, chúng ta có ngay Nam Cực. Được biết, mỗi năm có vài nghìn người tới thăm lục địa băng giá, với nhiệt độ có thể xuống dưới -80 độ C, thấp nhất được ghi nhận với -89,2 độ C vào ngày 21/7/1983 tại trạm Vostok.

Tuy nhiên nếu nói đến thành phố lạnh nhất thế giới, thì danh hiệu này không thể nằm ngoài Yakutsk - vùng đất được coi là mỏ kim cương của nước Nga.

Nhiệt độ trung bình đo được vào tháng Giêng ở đây là -38,6 độ C. Tuy nhiên vào tháng 3/2022, nhiệt độ tại khu vực này đã xuống tới -60 độ C. Cư dân tại Yakutsk thậm chí cho biết họ đã trải qua những ngày lạnh hơn nhiều, nhưng không thể xác minh điều này vì "nhiệt kế chỉ đo được đến tối đa -63 độ C".

Nhiệt độ khắc nghiệt

Cuộc sống tại thành phố lạnh nhất thế giới ở -60 độ C - 2

Tuyết đóng băng trên lông mi của người dân khi đi bộ ngoài đường (Ảnh: AP).

Theo Alex DeCaria, giáo sư khí tượng học tại Đại học Millersville ở Pennsylvania, khí hậu ở khu vực Siberia quá lạnh là do "sự kết hợp của vĩ độ cao với việc nó là một khối đất lớn".

Được biết, nhiệt độ toàn cầu thay đổi theo chiều hướng cực đoan (gồm cả lên cao và xuống thấp), có xu hướng xảy ra phổ biến trên lục địa vì đất liền nóng lên và nguội đi nhanh hơn đại dương.

Trong trường hợp của Siberia, tuyết và băng bao phủ cũng đóng một vai trò nhất định, khi chúng giữ cho khu vực luôn ở nhiệt độ thấp bằng cách phản xạ lại bức xạ từ mặt trời.

Sự kết hợp của các yếu tố này đã dẫn đến việc hình thành một vùng áp suất cao, bán vĩnh viễn tại Siberia vào mùa đông, được gọi là "Vùng cao Siberia".

"Điều kiện áp suất cao trên các lục địa có vĩ độ cao thường được biết đến là nơi có không khí ổn định, độ ẩm thấp và bầu trời quang đãng, dẫn đến nhiệt độ bề mặt rất lạnh", DeCaria lý giải. "Đó là bởi độ ẩm thấp và bầu trời quang đãng cho phép bức xạ sóng dài (hồng ngoại và vi sóng) do Trái Đất phát ra dễ lên đỉnh của bầu khí quyển và phát ra ngoài không gian, dẫn đến nhiệt độ bề mặt lạnh".

Với việc tham khảo cụ thể các điều kiện ở Yakutsk, ông Jouni Räisänen, giảng viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hệ thống Trái đất và Khí quyển (INAR) thì cho rằng nhiệt độ thấp ở khu vực này là do dạng địa hình thung lũng, khi vùng thấp được được bao quanh bởi địa hình cao hơn.

Theo Räisänen, sự kết hợp của dạng địa hình này với áp suất cao đã tạo nên một khái niệm gọi là "hồ không khí lạnh", được hình thành khi mùa đông diễn ra. Khi đó, những "túi không khí lạnh", tương đối "nặng" bị mắc kẹt ở gần đáy thung lũng, sau đó được khuếch đại bởi độ cao tương đối lớn của các dãy núi xung quanh, khiến chúng trở nên càng lạnh lẽo hơn.

Cuộc sống ở nơi lạnh lẽo nhất hành tinh

Cuộc sống tại thành phố lạnh nhất thế giới ở -60 độ C - 3

Cuộc sống vẫn tiếp diễn ở Yakutia khi người dân đã quen với cái lạnh khắc nghiệt (Ảnh: RBTH).

Nhiệt độ rét buốt tác động nhiều đến cuộc sống của cư dân thành phố. Vì mặt đất bị băng vĩnh viễn viên phần lớn các ngôi nhà đều phải xây trên một sàn cao bên dưới. Các trường học buộc phải đóng cửa.

Người dân cũng thường không đeo kính khi ra đường vì kim loại có thể đóng băng và dính vào da người khiến việc tháo ra rất khó khăn và có thể làm rách da.

"Ở ngoài trời khoảng 5-10 phút có thể đủ để khiến bạn mệt mỏi, đau nhói ở mặt và đau nhức các ngón tay và ngón chân kéo dài. Hai mươi phút là khoảng thời gian mà ngay cả những cư dân mạnh mẽ nhất cũng nghĩ rằng đã đến lúc vào nhà", Kiun B., một blogger sinh ra ở Yakutsk cho biết.

Sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên của Yakutsk đã bù đắp rất nhiều cho thời tiết khắc nghiệt ở khu vực này. Được biết, Yakutsk chiếm đến 1/5 sản lượng kim cương của thế giới, chưa kể đến sự giàu có của các tài nguyên khác như gas, dầu mỏ, vàng, bạc, và các khoáng sản quý hiếm khác.

Chính vì lý do này, dù rất lạnh, Yakutsk vẫn là nơi sinh sống của khoảng 336.200 người, với phần lớn trong số đó làm việc cho Alrosa, một công ty quản lý mỏ kim cương lớn.

Cuộc sống tại thành phố lạnh nhất thế giới ở -60 độ C - 4

Trong thời tiết lạnh giá, nước sôi khi bị hất lên trời sẽ biến thành tuyết (Ảnh: RBTH).

Bên cạnh đó theo Cara Ocobock, một nhà nhân chủng học từ Đại học Notre Dame, luôn có một sức hút nhất định tại những địa điểm được xem là khắc nghiệt nhất thế giới, khiến cho các khu vực này luôn có người sinh sống.

"Tôi nghĩ mọi người dường như tự hào về nơi mà họ sống và sự thích nghi mà họ tích lũy để vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt", Ocobock cho biết.

Trái ngược với Yakutsk là Karachi (Pakistan) và Ahvaz (Iran), khi hai thành phố này đều thường xuyên chứng kiến nhiệt độ tăng trên 40 độ C, và từng đạt mức cao kỷ lục lần lượt là 47,8 độ C và 54 độ C.