Cuộc sống của những chú gấu ở Tam Đảo: Tập gym, ăn kem thạch mát lạnh
(Dân trí) - Ở đây, những cá thể gấu không còn đau đớn khi bị người dân hút mật, nó có gia đình và được con người yêu thương, chăm sóc như đứa con của mình.
Mái nhà tình thương cho loài gấu
Nằm sâu trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Tam Đảo là Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Đây được coi như một ngôi nhà giải cứu những cá thể gấu.
Chúng là nạn nhân của những vụ án buôn lậu hay bị người dân nuôi nhốt để lấy mật.
Dưới cái nắng hơn 35 độ C, thời tiết trong Vườn quốc gia Tam Đảo cũng không hề dễ chịu nhưng chị Đỗ Thu Hằng, phụ trách giáo dục tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam vẫn nhiệt tình dẫn PV tham quan nhà của những con gấu, có tổng diện tích gần 12ha.
"Ở đây, chúng được chăm sóc như một khách VIP, đồ ăn thay đổi mỗi ngày, có "phòng gym", bể bơi và được các bác sĩ khám sức khỏe định kỳ, giúp chúng luôn khỏe mạnh và phát triển.
Những con gấu được cứu hộ về đây không may mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư túi mật do việc người dân lấy mật gấu, không thể điều trị hoặc do tuổi già sẽ được chôn cất, làm đám tang dưới sự chứng kiến của chính quyền và kiểm lâm địa phương", chị Hằng vừa đi vừa chia sẻ.
Tiếng kêu cứu để được về nhà
Dù những con gấu sống trong môi trường bảo tồn có thể không bằng ở tự nhiên nhưng Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam có lẽ là ngôi nhà mà chúng mong muốn được ở lại hơn cả.
Thời điểm hiện tại, các vườn quốc gia và khu bảo tồn tại Việt Nam thực sự chưa đảm bảo an toàn để tái thả gấu về tự nhiên, cũng như các chính sách liên quan đến vấn đề này chưa được rõ ràng.
Để thực hiện được điều này, chúng ta cần phải có những nghiên cứu sâu từ các chuyên gia nhằm đảm bảo gấu có thể sinh tồn và phát triển tốt ở đó, cũng như đảm bảo chúng không bị đe dọa, săn bắt từ con người.
Ngôi nhà hiện đang là nơi ở của khoảng 200 con gấu, tất cả chúng đều được cứu hộ từ nhà dân hay các vụ buôn bán lậu.
Những người dân nuôi và giam cầm gấu nhằm mục đích lấy mật bán kiếm thu nhập, mật gấu được chiết xuất bằng các kỹ thuật khác nhau, nhưng tất cả các phương pháp đều phải xâm lấn gây đau đớn và tổn thương cho loài gấu.
Đây chính là nguyên nhân gây nhiễm trùng nặng các bộ phận bên trong cơ thể chúng, dẫn đến hình thành các khối u ở túi mật, gan, thận,... khiến gấu chết trong đau đớn tột cùng.
Dã man hơn, để tăng hiệu suất và sản lượng mật từ gấu, những người nuôi nhốt không ngần ngại bỏ đói, cho gấu khát nước... Việc đó nhằm kích thích phản xạ của cơ thể của chúng, khi đó gấu sẽ sản xuất mật nhiều hơn.
Đứng trước một khu nhà bán hoang dã, chị Hằng chia sẻ: "Đây là Grier, một cá thể gấu chó bị mù cả hai mắt, con gấu được trung tâm ký cam kết chăm sóc trọn đời, do nó không còn khả năng sinh tồn nếu thả về tự nhiên".
Tuy con người đã cướp đi đôi mắt của nó, nhưng Grier vẫn phát triển bình thường. Nhờ khứu giác nhạy bén, tự bản thân nó tìm kiếm thức ăn, được các nhân viên giấu trong các trụ gỗ, trên cây hay trong các món đồ chơi.
Điều này thực hiện được chính là nhờ khả năng thính giác nhạy bén của nó, nhưng một phần cũng xuất phát từ sự quan tâm, yêu thương và chăm sóc nhiệt tình của các nhân viên, bác sĩ thú ý tại đây.
Chính vì thế, ở trung tâm, con gấu Grier không còn cô đơn, nó được an toàn, phát triển khỏe mạnh và có thể nô đùa với những người bạn của mình trong ngôi nhà chung.
Trên quãng đường di chuyển đến khu nhà bán hoang dã dành cho loài gấu chó, chị Hằng nói: "Không chỉ riêng Grier bị thương tật, tại trung tâm có khoảng một nửa số gấu phải nhận sự chăm sóc trọn đời do không còn khả năng sinh tồn như con Vandrew, cá thể gấu ngựa bị mất 1 mắt và một bên chi".
Con gấu này tên là Murphy, cá thể gấu chó. Dù trời nắng nóng nhưng Murphy vẫn ra ngoài và nô đùa một mình bên cạnh cái cột gỗ.
Nó được giải cứu từ vụ buôn bán trái phép ở huyện miền núi Sốp Cộp, tỉnh Sơn La vào năm 2015, khi đó nó chỉ mới vài tuần tuổi và nặng 3kg.
Gấu mới sinh giống như trẻ con, chúng cần có chế độ nuôi dưỡng đặc biệt để đảm bảo sức khỏe và may mắn thay, Murphy đã được giải cứu kịp thời và hiện tại đang rất khỏe mạnh, phát triển rất tốt ở đây.
Dù PV không được đến gần để quan sát Murphy, nhưng hình dáng to lớn của nó phía sau hàng rào sắt trong khu bán hoang dã cũng đủ cho thấy, con gấu đang có một cuộc sống hạnh phúc và nó nhận được chăm sóc rất tốt khi ở đây.
Cuộc sống của những "boss gấu"
Toàn bộ chi phí nuôi và chăm sóc những cá thể gấu ở trung tâm đều xuất phát từ nguồn tài trợ của người dân trong và ngoài nước, hoặc các tổ chức.
"Những con gấu ở đây chính là "boss" (ông chủ-PV) của chúng tôi", chị Phan Thùy Trinh, phụ trách truyền thông Trung tâm Bảo tồn Gấu Việt Nam (Vĩnh Phúc) vui đùa chia sẻ.
Ở đây, mọi cá thể gấu đều có tên, có tuổi. Nhiều trong số chúng được các gia đình Việt Nam hay ở nước ngoài nhận nuôi và khi đó họ có quyền đặt tên cho chúng.
Chỉ tay về một con gấu đang tránh nắng dưới gốc cây, chị Hằng chia sẻ: "Kia là con An, là một cá thể gấu ngựa được Tổ chức Động vật châu Á cứu hộ vào tháng 6/2022 tại Điện Biên, nó được gia đình một nghệ sĩ nổi tiếng tại Việt Nam nhận nuôi trọn đời.
Gia đình đã đặt tên cho nó là An với niềm tin mong muốn con gấu đó sống một đời bình an".
Trên quãng đường đi tham quan, PV bắt gặp một gia đình đủ cả 3 thế hệ đến thăm một con gấu đã nhận nuôi trước đó. Họ coi con gấu như đứa con của mình và thăm nom chúng thường xuyên.
"Có những gia đình họ sẽ gửi tiền về trung tâm hàng tháng nhưng cũng có người sẽ đóng góp một số tiền lớn đủ để chăm sóc "đứa con" của họ đến già và số tiền thừa sẽ được đưa vào quỹ của trung tâm để xây dựng, kiến thiết khu bảo tồn", chị Trinh chia sẻ.
Đều đặn mỗi ngày, những con gấu ở đây được chăm sóc từ một đội ngũ nhân viên bao gồm người huấn luyện, các bác sĩ thú y...
Họ cùng nhau phối hợp theo dõi hoặc kiểm tra sức khỏe những con gấu, cho chúng ăn hay huấn luyện chúng kỹ năng sinh tồn.
Đặc biệt, những con gấu mới được giải cứu, do bị người dân nuôi nhốt trong lồng sắt một thời gian dài nên khi về đây chúng mất đi khả năng sinh tồn tự nhiên.
Tiếng gõ chuông từ nhân viên chăm sóc vang lên cũng báo hiệu giờ ăn của chúng đã đến.
Vào những hôm trời nắng nóng, các cá thể gấu sẽ được ăn ở khu nhà bê tông và khi nghe thấy tiếng chuông, chúng sẽ tự di chuyển từ khu bán hoang dã vào trong.
Ở đó, chúng đã được những nhân viên chuẩn bị trước những món ăn theo sở thích và tính cách riêng của từng con.
Thực đơn của gấu sẽ được thay đổi mỗi ngày và không lặp lại trong tuần. Các món ăn bao gồm rau củ quả, mật ong, sữa chua, thạch, mứt và thậm chí cả kem.
Mỗi ngày, các nhân viên sẽ giấu thức ăn ở trong ống tre, hộp nhựa, dưới suối, các hốc đá hay trên những cây cao, buộc gấu phải kích thích khứu giác và thị giác để có thể tìm kiếm thức ăn, qua đó giúp chúng phục hồi bản năng tự nhiên.
Mở chiếc tủ lạnh và lôi ra hai khối đá được làm đông trong chiếc âu nhựa, chị Hằng giải thích: "Trong khối đá lạnh này là thạch, do thời tiết hiện tại nắng nóng nên việc để thức ăn vào trong đá giúp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi gấu ăn vào, đồng thời giúp kích thích trí thông minh của chúng".
Trong thời tiết hè nắng nóng, để có thể nhâm nhi ăn miếng thạch đá mát lành này, những cá thể gấu ở đây sẽ dùng rất nhiều cách khác nhau, có con khỏe mạnh nó sẽ đập khối đá vào những khúc gỗ để chúng vỡ ra.
Nhưng đối với những con thông minh hơn, nó sẽ ném xuống hồ bơi, nước sẽ khiến đá tan nhanh và khi đó gấu vừa có thể thưởng thức món ăn vừa tắm mát hạ nhiệt cơ thể.
Trong mỗi khu bán hoang dã ở đây đều có bể bơi cho gấu tắm mát, đồ chơi, dụng cụ tập gym để kích thích sự phát triển gấu, cũng như giúp chúng khỏe mạnh.
Giơ một chiếc đồ vật nhỏ trước mặt, nó giống như một quả tạ nhỏ, được đục những chiếc lỗ, chị Hằng miêu tả: "Đối với dụng cụ này, chúng tôi sẽ để đồ ăn vào trong những cái lỗ nhỏ và gấu có thể lấy thức ăn ở đây theo nhiều cách khác nhau.
Có con thì thò tay vào trong để lấy, cũng có con nằm ngửa và dốc đồ ăn để chúng rơi thẳng vào miệng. Nhưng nhiều cá thể gấu mới được đưa về đây không đủ kiên nhẫn thì nó sẽ dùng sức để phá vỡ món đồ chơi này".
Tại trung tâm, các đồ chơi cho gấu thường được làm bằng gỗ, một phần nhằm mô phỏng môi trường sống giống trong tự nhiên, mặt khác vật liệu này cũng tránh làm tổn thương cho chúng.
"Có những con mải ngủ, mải chơi đấu vật khi nghe thấy tiếng chuông hay tiếng gọi chúng cố tình lờ đi, buộc các anh chị nhân viên đi ra và gọi tên nó vào, ném thêm đồ thưởng, đồ ăn chúng thích.
Khi chúng tôi gọi nhiều lần không được, con gấu đó sẽ được ghi sổ để báo cáo cho cơ quan quản lý gấu và thú y kiểm tra", chị Hằng cười và nói.
Mỗi năm, những con gấu ở đây được khám sức khỏe định kỳ và trong quá trình chăm sóc, nếu các nhân viên phát hiện ra sự bất thường như tâm trạng của gấu không tốt, phát ra tiếng gầm gừ, bỏ bữa hay tổn thương trong lúc nô đùa với đồng loại cũng sẽ được đưa vào trong khu vực bệnh viện riêng để cho các bác sĩ kiểm tra sức khỏe và điều trị.
Chị Trinh cho biết: "Để đảm bảo những cá thể gấu luôn được khỏe mạnh, tại trung tâm có đầy đủ các thiết bị máy móc như máy siêu âm, máy chụp X quang, phân tích mẫu máu hay các loại thuốc men cùng với đội ngũ bác sĩ thú y cả trong và ngoài nước liên tục giám sát và theo dõi những cá thể gấu để có thể điều trị kịp thời khi không may gấu bị bệnh".
Bên cạnh đó, để cho gấu uống thuốc, nó (thuốc) sẽ được giấu trong các món ăn mà con gấu đó yêu thích, có những con thích mùi mắm tôm và có thói quen rất thích bôi loại mắm nặng mùi này lên người.
Chị Trinh tới sát một cây mít sai trĩu quả, nhớ lại: "Ngày trước chị quản lý cũ của trung tâm đếm từng quả mít ở đây để tránh việc chúng tôi vặt xuống ăn. Tất cả quả mít đều được dùng làm đồ ăn cho gấu".
Nơi yên nghỉ
Di chuyển lên một sườn đồi nằm trong trung tâm là khu mộ gấu, có khoảng 50 cá thể đang được yên nghỉ tại đây, chúng chết đi vì già hay mắc các bệnh không thể cứu chữa.
Chị Trinh lắng giọng: "Khoảng 80% cá thể gấu cứu hộ về đây mắc các tổn thương về xương khớp, viêm túi mật hay răng bị mục, nhiễm trùng và gãy do chế độ ăn uống không hợp lý trong quá trình người dân nuôi nhốt lấy mật".
Có những cá thể gấu chết vì tuổi già, nhưng cũng có những con gấu trẻ mắc khối u ác tính, nhiễm trùng, ung thư túi mật, bệnh về mắt, xương chậm phát triển, viêm khớp, gãy xương, bệnh tim, nhiễm trùng da và tai, rụng lông… thậm chí bị bệnh tâm lý.
Mỗi con gấu mất đi, nó sẽ trung tâm được làm đáng tang, đọc bài thơ về gấu và chôn cất cùng với đồ ăn, đồ chơi mà chúng yêu thích khi còn sống.
"Đám tang sẽ được tổ chức dưới sự chứng kiến của toàn thể nhân viên ở trung tâm, chính quyền và kiểm lâm địa phương. Bên cạnh đó, mộ gấu sẽ được đổ bê tông chôn chặt để tránh việc người dân đào mộ lên để cắt túi mật đem bán", chị Trinh kể.
Nếu chẳng may túi mật của những con gấu chết vì bị bệnh ung thư túi mật được người dân đánh cắp tuồn ra thị trường tiêu thụ thì hệ lụy sức khỏe của người sử dụng nó sẽ bị đe dọa như thế nào, đây là câu hỏi mà không ai dám nghĩ đến.
Nắng đã tắt giữa núi rừng Tam Đảo, nhìn qua hàng rào, những con gấu đã đổ ra các khu bán hoang dã nhiều hơn để nô đùa, chơi với nhau.
Những tiếng kêu đau đớn khi bị người dân rút mật, giờ đây đã không còn, thay vào đó là những tiếng nô đùa trong hạnh phúc. Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam chính là ngôi nhà ngọt ngào của chúng.
Ở đó, chúng không còn cô đơn, không còn đau đớn và có một gia đình.
Theo Báo cáo Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), số lượng các vụ án hình sự về động vật hoang dã (ĐVHD) trong 5 năm gần đây có chiều hướng gia tăng.
Cụ thể, nếu trong năm 2017 số vụ án hình sự về ĐVHD là 94 vụ, bắt giữ 134 đối tượng thì năm 2021 con số này là 161 vụ với 251 đối tượng.
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) chia sẻ, sự gia tăng của các vụ án hình sự ĐVHD có thể là biểu hiện tích cực trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép, tuy nhiên nó cũng cho thấy tình trạng này vẫn đang diễn ra.
Theo thống kê của Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Hà Nội, 3 năm gần đây số lượng ĐVHD được cứu hộ đã tăng nhanh chóng, chủ yếu từ các vụ bắt giữ vi phạm.
Năm 2020 số vụ cứu hộ là 119 vụ, giải cứu 537 thì đến năm 2022 con số này đã tăng lên thành 142 vụ với 1.242 cá thể được cứu hộ.
Đoàn Trung Nam