Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2023:
Cuộc đua bán dẫn toàn cầu: Việt Nam liệu đã chậm chân?
(Dân trí) - Các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu đã chia sẻ quan điểm về Việt Nam như một điểm đến của ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời chỉ ra những cơ hội mà chúng ta có thể nắm bắt.
Sáng nay (18/12) tại Hà Nội, tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" đã diễn ra, mở đầu cho chuỗi sự kiện Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2023, và lễ trao giải diễn ra vào ngày 20/12.
Phiên đầu tiên của tọa đàm có tên gọi "Công nghệ bán dẫn: Nền tảng của thế giới hiện đại", với mục đích nêu bật tầm quan trọng, cũng như sứ mệnh của các nhà khoa học, các kỹ sư, trong lĩnh vực "huyết mạch" của nền kinh tế số.
Ngành bán dẫn là cuộc đua toàn cầu
Theo GS. Richard Henry Friend từ Đại học Cambridge (Vương quốc Anh), chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, lĩnh vực bán dẫn có vai trò quan trọng, nên đây đang được xem là tiêu điểm, và cũng đặc biệt thu hút những ngành công nghiệp liên quan.
Với nguyên tắc chip có kích thước càng nhỏ thì sẽ càng tiết kiệm năng lượng, gần đây, đã có một bước tiến công nghệ đáng kể nhờ vào việc thay đổi nguồn sáng (light source), giúp các nhà khoa học thiết kế được các con chip có kích thước rất nhỏ. Điều này đã tạo ra một sự bất ngờ lớn cho thế giới sản xuất linh kiện bán dẫn.
Cũng theo GS. Henry, một cuộc đua khác cũng đang diễn ra trong ngành bán dẫn. Đó là cuộc đua tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh, giúp quá trình nghiên cứu sản xuất thân thiện hơn với môi trường.
Đồng quan điểm với ông Henry, GS. Teck-Seng Low, phó Chủ tịch cấp cao tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết hiện tại, tất cả các ngành ở Singapore đều chuyển sang hướng sử dụng điện hiệu quả, hiệu suất cao.
Lần lượt, chip đã được sản xuất với kích thước giảm dần, từ 9nm, 7nm, 5nm, rồi 3nm. Không dừng lại ở đó, Singapore hiện đang đầu tư đi sâu hơn, nhằm thu nhỏ kích thước chip xuống dưới 2nm.
Điều này nhằm hạn chế khả năng tiêu thụ điện của các con chip trong tương lai, dẫn tới mục tiêu quan trọng là giúp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Cũng nói về khía cạnh môi trường và phát thải, TS. Sadasivan Shankar, Quản lý Nghiên cứu - phát triển công nghệ tại Phòng thí nghiệm máy gia tốc quốc gia SLAC Đại học Stanford, Mỹ, nhấn mạnh rằng việc sử dụng năng lượng quá mức có thể ảnh hưởng tới hệ sinh thái
Theo TS. Shankar, mọi mặt đời sống của con người đều đang chịu những tác động từ việc tiêu thụ năng lượng. Điển hình như nhiệt độ đã tăng đến mức kỷ lục ở một số quốc gia.
Tại bang Texas, Mỹ, thống kê cho thấy các trung tâm dữ liệu hiện sử dụng năng lượng tương đương 300.000 hộ gia đình. Ở một số nơi như London, thậm chí không thể xây thêm nhà vì không có đủ năng lượng.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Với xuất phát điểm là một quốc gia đang phát triển, và chỉ mới bắt đầu bước vào cuộc đua trong ngành bán dẫn, Việt Nam chắc chắn sẽ còn gặp rất nhiều thử thách nếu muốn sánh ngang với các cường quốc trên thế giới.
Tuy nhiên, câu hỏi "liệu Việt Nam có thể" đã đặc biệt thu hút các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu thế giới tại tọa đàm.
GS. Teck-Seng Low đã chia sẻ thẳng thắn quan điểm, khẳng định rằng Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội, vì chúng ta trên thực tế còn có nhiều lợi thế hơn so với các quốc gia khác trong khu vực, điển hình là Singapore.
Những lợi thế này gồm sở hữu diện tích lớn hơn, có ngành nông nghiệp phát triển, bờ biển dài để phát triển thủy hải sản, y sinh, thuốc chữa bệnh... Thế nên, cơ hội để phát triển, số hóa giải pháp trong những ngành kể trên vẫn còn nhiều dư địa. Và chip điện tử có thể là gốc rễ của mọi lĩnh vực đó.
GS. Low nhấn mạnh vào 2 từ: "giáo dục", đồng thời cho rằng Việt Nam nên đẩy mạnh hơn nữa công tác này để có lực lượng lao động chất lượng cao, cũng như sở hữu hệ sinh thái đủ thu hút các nhà đầu tư, các đơn vị sản xuất bán dẫn nếu muốn tiếp bước trong cuộc đua.
GS. Nguyễn Thục Quyên, Đại học California, đồng ý với luận điểm này, khi cho rằng việc thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao đang là một vấn đề mà Việt Nam gặp phải.
Theo bà Quyên, chính phủ cần đưa ra nhiều giải pháp mới, như tạo điều kiện cho các em vừa học vừa thực hành tại doanh nghiệp để nâng cao năng lực, nhận thức, cũng như cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các cơ sở hạ tầng dùng chung, chia sẻ, vì đây là yếu tố quan trọng để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài.
TS. Sadasivan Shankar thì cho rằng Việt Nam có thể từng bước đi theo quy mô nhỏ, nhằm phát triển năng lực để phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Lấy Trung Quốc làm thí dụ, TS. Shankar cho rằng khi quốc gia này mới tham gia thì không phải là nước đi đầu, mà chỉ cung ứng linh kiện. Từ sản xuất họ tiến lên trong chuỗi cung ứng.
Cùng quan điểm này, GS. Vivian Yam đến từ Trường đại học Hong Kong, Trung Quốc, cho rằng đối với ngành công nghiệp bán dẫn, nguồn lực ban đầu, bao gồm cả tài chính và con người đều rất quan trọng.
"Việt Nam có thể bắt đầu công nghiệp bán dẫn với quy mô nhỏ và Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào các trường đại học để chuẩn bị nguồn lực", vị chuyên gia này cho biết.
Bên cạnh đó, những vấn đề về địa chính trị diễn ra trên thế giới cũng là một cơ hội cho Việt Nam, trong bối cảnh các nhà sản xuất đang đưa ra những chiến lược, và tìm kiếm một quốc gia khác để đặt cơ sở sản xuất của họ.
Nếu Việt Nam có thể chứng minh rằng mình là một điểm đến hấp dẫn, cũng như có sẵn các nguồn lực cần thiết, thì cơ hội của chúng ta trong việc phát triển ngành bán dẫn là hoàn toàn rõ rệt.