Cuộc chiến giành danh hiệu loài khủng long lớn nhất thế giới
(Dân trí) - Có 3 kiểu phân loại khủng long: nặng nhất, dài nhất và cao nhất.
Việc xác định ngôi vị quán quân vẫn còn rất gay go. Lý do là các nhà cổ sinh vật học hiếm khi khai quật được bộ xương đầy đủ của một con khủng long. Thường thì họ chỉ tìm thấy các mảnh xương rời rạc và căn cứ vào đó để ước tính các kích thước của con vật.
Nặng nhất
Danh hiệu này khó mà thoát khỏi tay Argentinosaurus, loài khủng long ăn cỏ đuôi dài siêu lớn của Nhóm chân thằn lằn (Sauropoda), sống trong khoảng từ 100 triệu đến 93 triệu năm trước ở kỷ Phấn trắng. Cái tên được lấy do mẫu hóa thạch loài này được phát hiện lần đầu tiên ở Argentina năm 1987.
Trọng lượng của Argentinosaurus được ước tính có độ chênh lệch khá lớn; từ 77 tấn theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Luân Đôn; lên 90 tấn theo Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ của thành phố New York; và 110 tấn theo kênh BBC Earth.
Lý giải cho sự khác biệt là chỉ có 13 mảnh xương Argentinosaurus được phát hiện, gồm: sáu xương thuộc đốt sống lưng, năm mảnh xương đốt sống hông, một xương chày (ở ống chân) và một mảnh xương sườn. "Có một cái xương đùi mà bạn sẽ thấy được vẽ ở một số bản phác thảo, nhưng địa điểm tìm thấy lại cách những mảnh còn lại 15 km. Vì vậy không chắc chắc được nó thuộc về con khủng long này”. Kenneth Lacovara, giảng viên cổ sinh vật học và địa chất học của Đại học Rowan ở Glassboro, New Jersey cho biết.
Một ứng viên khác là Patagotitan, loài khủng long mũi lớn có mào nặng 69 tấn sống cách đây khoảng 100 triệu năm ở những vùng thuộc Argentina ngày nay. Tuy nhiên, Lacovara lưu ý là trọng lượng này được tính toán dựa trên tổng hợp từ nhiều cá thể (các xương của 6 con khác nhau được tìm thấy), thay vì chỉ một cá thể như trường hợp trên.
Mô hình khủng long Patagotitan trong hội trường Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ tại Thành phố New York. Ảnh: AMNH/D. Finnin
Theo Lacovara, có ba phương pháp tính trọng lượng một loài động vật đã tuyệt chủng:
- Phương pháp chu vi thân tối thiểu: Các nhà khoa học đo chu vi tối thiểu của xương chi trên và chi dưới của cùng một cá thể. Sau đó, họ đưa những con số này vào một công thức phức tạp để tính ra trọng lượng của con vật. "Vì tất cả động vật bốn chân đều phải đặt toàn bộ trọng lượng của cơ thể lên bốn xương đó.”, Lacovara nói.
Tuy nhiên công thức này có rủi ro. Nếu xương chi trên và chi dưới thu thập từ nhiều cá thể khác nhau như với trường hợp loài Patagotitan, kết quả sẽ không chính xác. Hơn nữa, nếu chỉ sử dụng một xương đơn (chẳng hạn xương một bên đùi), thì số liệu phần còn thiếu chỉ có thể ước tính. Loài khủng long nặng nhất được biết có xương 2 chi từ cùng một cá thể là 77 triệu năm tuổi là Dreadnoughtus: 65 tấn.
Phương pháp thể tích: Trong phương pháp này, các nhà nghiên cứu xác định thể tích cơ thể của một con khủng long và sử dụng để tính trọng lượng nó. Đây là một thách thức, do hầu hết các bộ xương khai quật được đều không đầy đủ. (Dreadn thinkus là hoàn chỉnh nhất khi được tìm được 70%. Argentinosaurus chỉ có 3,5%). Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phải ước tính phổi và các bộ phận chứa không khí khác chiếm bao nhiêu phần thể tích thực. Theo Lacovara, cách tính này rất khó.
Ước lượng dựa trên bất kỳ thông tin nào thu thập được: Dùng khi không còn xương chi trên hay chi dưới nào được tìm thấy. “Argentinosaurus, Futalognkosaurus và Puertasaurus là những ví dụ về điều này", Lacovara nói.
Dài nhất
Theo Lacovara, giành vinh dự này khả năng là Diplodocus hoặc Mamenchisaurus. Cả hai loài đều có bộ xương được khai quật hoàn chỉnh và có chiều dài tính toán khoảng 115 feet (35 m). Vấn đề ở chỗ một số loài khác được cho là chiều dài lớn hơn, nhưng lại không thu thập đủ mẫu hóa thạch để khẳng định.
Cao nhất
Đối với loài khủng long cao nhất, nhà vô địch khả năng là Giraffatitan, một loài khủng long thuộc nhóm Chân thằn lằn cao 40 feet (12 m) thuộc cuối kỷ Jura, khoảng 150 triệu năm trước ở Tanzania ngày nay. Ước tính này dựa trên xương thân trước và cấu trúc xương vai, tuy nhiên đầu chúng có thể ngẩng lên ở mức độ nào thì vẫn chưa xác định được.
Tùng Anh
Theo Livescience