Cùng trẻ thực hiện thí nghiệm khoa học vui tại gia
(Dân trí) - Việc cùng trẻ thực hiện những thí nghiệm khoa học vui tại nhà, sẽ giúp kích thích óc sáng tạo, khả năng suy luận lôgic cũng như đặt những viên gạch đầu tiên cho tư duy khoa học của trẻ. Từ đó, chắp cánh cho những thành công trong bước đường tương lai!
Đèn trời siêu nhỏ
Vật liệu:
- Túi trà
- Bật lửa hoặc diêm
- Một chiếc khay chống cháy
Cách tiến hành: cẩn thận cắt ở mép túi trà để đổ hết phần trà bên trong ra, chỉnh cho túi trà thành hình trụ rồi đặt dựng đứng trên khay, dùng bật lửa(hoặc diêm) đốt cháy phần chóp túi trà. Chỉ trong tích tắc bạn sẽ thấy túi trà bay lên tựa như một chiếc đèn trời.
Giải thích hiện tượng: Việc đốt túi trà sẽ tạo nên luồng không khi nóng, luồng khí này di chuyển sẽ khiến túi trà- vốn có kích thước nhẹ, bay lên không trung.
Câu “cá” không cần mồi
Nguyên liệu:
- Một tô lớn đựng nước
- Đá viên
- Muối
- Một sợi dây
Cách tiến hành: Cho đá viên và tô nước, cầm một đầu sợi dây trong khi đầu kia cho chạm vào bề mặt đá, rắc một ít muối lên viên đá và chờ trong vòng 5-10 phút, kéo sợi dây lên và bạn sẽ thấy rằng viên đá đã bị bám dính vào và đi theo sợi dây ra khỏi mặt nước. Hãy tiếp tục trò đi câu với những chú “cá” còn lại.
Giải thích: Muối sẽ sinh nhiệt làm tan phần bề mặt đá viên mà chúng tiếp xúc. Ngay lúc này, phần đầu sợi dây sẽ quyện vào trong phần nước vừa chảy ra. Khi muối bị tan hết, phần nước đã đề cập ở trên lại bị đóng băng khiến đầu dây mắc kẹt trong viên nước đá. Vì thế ta có thể dễ dàng kéo chúng lên.
Núi lửa phun trào
Nguyên liệu:
- Bột baking soda
- Sơn màu đỏ
- Nước
- Xà phòng rửa chén bát
- Dấm
- Bìa cứng
- Đất sét
- Khay hoặc hộp đựng
Cách tiến hành:
Tạo phần khung của núi lửa bằng cách dùng bìa cứng cuộn thành hình chóp nón, rồi cắt bỏ phần chóp, đặt một hộp đựng bằng nhựa hoặc thủy tinh vào bên trong “núi lửa”. Trong chiếc hộp này chúng ta cho vào hỗn hợp gồm: bột baking soda, sơn, nước và vài giọt xà phòng rửa chén. Dùng đất sét tạo hình bên ngoài núi lửa cho thật giống, cuối cùng hãy đổ dấm vào chiếc hộp chứa thông qua “đỉnh núi” và tận hưởng màn phun trào “mãn nhãn”.
Giải thích: bột baking soda (NaHCO3) và dấm (CH3COOH) phản ứng với nhau tạo ra nước, muối và khí CO2. Chính nhờ lượng khí gas tạo thành đã đẩy các chất khác trong hộp chứa ra ngoài, tạo ra vụ phun trào núi lửa.
Cầu vồng nước
Nguyên liệu:
- Nước ép trái cây (chọn những loại có màu bắt mắt như nước ép táo, nước ép dâu…)
- Dầu thực vật
- Rượu vang đỏ (hoặc rượu trắng được nhuộm bằng màu nước)
- Một bình đựng trong suốt
Cách tiến hành: Chuẩn bị các loại chất lỏng nêu trên ở các thế tích bằng nhau. Tiến hành cho nước ép vào bình đựng trước để làm tầng đầu tiên của “cầu vồng”, kế đến ta cho tiếp dầu ăn và cuối cùng là rượu. Bạn sẽ quan sát thấy chất lỏng trong bình được phân thành ba tầng rõ rệt với ba màu sắc khác nhau. Đặc biệt sau khi làm thí nghiệm, bạn hoàn toàn có thể trưng bày sản phẩm của mình trong nhà như một vật trang trí.
Lưu ý: Rót các chất lỏng vào bình thật nhẹ nhàng, tốt nhất nên rót men theo thành của bình đựng.
Giải thích hiện tượng: Những chất lỏng sử dụng trong thí nghiệm sở hữu các đặc tính khác nhau khiến chúng không bị hòa tan vào nhau. Lúc này, chất lỏng nào có trọng lượng riêng lớn hơn sẽ chìm xuống duối, nhỏ hơn thì nổi lên trên, tạo ra sự phân tầng như ta quan sát được.
Thảo Vy