Cực quang và cầu vồng mặt trăng “siêu hiếm” cùng lúc xuất hiện tại Thuỵ Điển
(Dân trí) - Hiện tượng quang học hiếm hoi được nhiếp ảnh gia Chad Blakeley may mắn bắt gặp đã gây sốt trong cộng đồng thiên văn trên thế giới.
Hiện tượng quang học đặc biệt này vừa mới xuất hiện ở khu vực Vườn quốc gia Abisko, Lapland, Thụy Điển. Khu vực Abisko nổi tiếng từng được các nhà hoa học chứng nhận là địa điểm lý tưởng nhất thế giới để ngắm cực quang nhờ kiểu khí hậu rất đặc trưng.
"Đó là một trải nghiệm vô cùng độc đáo đối với tôi khi đi săn cực quang mỗi mùa đông trong suốt 10 năm qua. Bầu trời đêm phải rất tối để có thể nhìn thấy cầu vồng. Bên cạnh đó cần có các yếu tố cần thiết khác trong khí quyển thì cầu vồng mặt trăng mới xuất hiện”, nhiếp ảnh gia Chad Blakeley cho biết.
“Cực quang” với những dải ánh sáng đủ màu sắc nhảy múa liên tục, bện xoắn vào nhau như dải lụa tuyệt đẹp được nhiều người săn lùng vì để được mục sở thị hiện tượng này là không dễ dàng. Chúng ta không thể biết chính xác ở đâu và khi nào có thể quan sát được hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.
Trong khi đó, cầu vồng Mặt Trăng cũng hiếm gặp không kém, thậm chí còn hiếm gặp hơn cả cực quang. Cầu vồng Mặt Trăng là một hiện tượng quang học tương tự với cầu vồng bình thường, nhưng được tạo ra bởi ánh sáng Mặt Trăng thay vì ánh sáng Mặt Trời.
Cầu vồng Mặt Trăng xuất hiện khi xảy ra hiện tượng ánh trăng khúc xạ từ các hạt nước lơ lửng trong không khí. Điểm khác biệt đó là ánh sáng từ Mặt Trời sẽ phản chiếu trên bề mặt Mặt Trăng và khúc xạ các hạt nước trong không khí. Cầu vồng Mặt Trăng khó nhìn thấy bằng mắt thường nhưng có thể hiện ra trong ảnh chụp phơi sáng.
Khôi Nguyên (Theo Daily Mail)