Cực quang kỳ ảo hòa cùng dòng nước ngầm Yellowstone

Minh Khôi

(Dân trí) - Cực quang xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới do ảnh hưởng của bão Mặt Trời, tạo nên một khung cảnh huyền ảo, tựa như một bộ phim thần thoại.

Cực quang kỳ ảo hòa cùng dòng nước ngầm Yellowstone - 1

Ánh sáng từ cực quang và mặt hồ như những dải màu huyền diệu (Ảnh: Geoff Coalter).

Trong thiên văn học, cực quang là hiện tượng hiếm gặp, và đặc biệt thu hút giới quan sát vì bầu trời khi ấy xuất hiện đầy màu sắc, tựa như một bộ phim thần thoại. Rất nhiều người đã bỏ công sức và thời gian để "săn" được những tấm ảnh đẹp về cực quang.

Với việc Bão Mặt Trời đang ảnh hưởng tới Trái Đất, và đạt đỉnh điểm vào ngày 10/5, một nhóm các nhiếp ảnh gia đã có mặt tại hồ nước nóng White Dome, thuộc công viên quốc gia Yellowstone, miền tây nước Mỹ, để tận mắt chiêm ngưỡng khoảnh khắc tuyệt đẹp này.

Trong bức hình, các hồ nước nóng đóng vai trò tiền cảnh, đã phản chiếu và hòa cùng ánh sáng kỳ ảo của cực quang xuất hiện trên bầu trời, tạo thành một sự kết hợp thú vị.

Tuy nhiên, hiện tượng trên chỉ kéo dài trong vài giờ, trước khi bị che mờ bởi ánh sáng Mặt Trời. Để ghi lại bức hình, nhiếp ảnh gia Geoff Coalter đã chụp ở chế độ phơi sáng trong 8 giây, sử dụng máy Nikon Z8 kết hợp cùng ống kính Nikkor Z 24-70 f/2.8.

Cực quang kỳ ảo hòa cùng dòng nước ngầm Yellowstone - 2

Cực quang ghi nhận tại công viên quốc gia Yellowstone, Mỹ (Ảnh: Geoff Coalter).

Cực quang (tên gọi khác là Aurora) là hiện tượng quang học xảy ra khi bầu trời xuất hiện các dải ánh sáng màu sắc vào ban đêm. Cực quang gồm nhiều dải màu từ trắng, xanh lục, xanh lam, tới hồng và tím nhưng phổ biến nhất là xanh lục và xanh lam.

Hiện tượng cực quang xảy ra theo chu kỳ của Mặt Trời và thường diễn vào cuối mùa thu, đầu mùa xuân. Nó được tạo thành bởi sự tương tác của các hạt năng lượng mang điện tích của Mặt Trời với các phân tử trong bầu khí quyển của Trái Đất.

Dưới góc độ khoa học, hiện tượng này gây tác động tiêu cực tới hành tinh của chúng ta, đó là khiến tầng ozon bị ăn mòn.

Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phát hiện ra rằng tác động của các cực quang proton cô lập tạo ra một lỗ hổng rộng gần 400 km vuông trên tầng ozon, khiến hầu hết ozon biến mất trong khoảng 2 giờ đồng hồ.

Theo cảnh báo của các nhà khoa học, cực quang xảy ra có thể gây trục trặc một số vệ tinh đang hoạt động và cơ sở hạ tầng điện dưới mặt đất. Các hạt mang tích điện cũng là mối nguy hiểm đối với các phi hành gia đang làm nhiệm vụ ngoài không gian.