Cực Bắc của Trái Đất tiếp tục dịch chuyển, đi qua đường kinh tuyến gốc

(Dân trí) - Cực Bắc từ của Trái Đất trong những năm gần đây ngày càng dịch chuyển nhanh hơn và đã vượt qua đường kinh tuyến gốc.

Cực Bắc của Trái Đất tiếp tục dịch chuyển, đi qua đường kinh tuyến gốc - 1

Từ trường Trái Đất làm trệch hướng các hạt tích điện, do đó bảo vệ chúng ta tránh được gió Mặt Trời.

Cực Bắc từ của Trái Đất được xác định ở quần đảo Bắc Cực thuộc Canada, nhưng trong hai thập kỷ qua nó đang dịch chuyển mỗi năm khoảng 55 km về phía Siberia. Ngày 10/12/2019, Trung tâm quốc gia về Thông tin môi trường Mỹ và Cơ quan Khảo sát địa chất Anh đã công bố mô hình mới nhất của từ trường Trái Đất và dự báo sự dịch chuyển của cực Bắc sẽ còn tiếp tục nhưng ở tốc độ chậm hơn, khoảng 40km/ năm.

Mô hình này được dùng để hiệu chuẩn GPS và các phương pháp định vị khác. Từ trường của Trái Đất sinh ra do sự chuyển động của lớp ngoài bằng sắt của lõi Trái Đất.

Vì nhiều lý do đến nay vẫn chưa giải thích được rõ ràng nhưng có liên quan đến sự vận động mạnh của lõi Trái Đất, từ trường hiện nay đang trải qua giai đoạn suy yếu. Chính vì vậy mà cực Bắc từ đang dịch chuyển.

Tính đến tháng 2/2019, cực Bắc nằm ở vị trí 86.54 Bắc 170.88 Đông trong vùng biển Bắc Cực (theo thông tin của Trung tâm quốc gia về Thông tin môi trường Mỹ). Tương tự như vậy, cực Nam từ cũng không trùng với cực Nam địa lý, hồi tháng 2/2019 nó nằm ở vị trí 64.13 Nam 136.02 Đông ngoài khơi biển Nam Cực.

Cứ 5 năm 1 lần, các nhà khoa học lại đưa ra một phiên bản mới của Mô hình Từ trường Thế giới và năm 2020 sẽ là năm có một phiên bản mới. Mặc dù vậy, tháng 2/2019, họ đã phải cập nhật mô hình này trước kế hoạch do các chuyển động của cực Bắc từ đang diễn ra quá nhanh.

Mô hình của năm 2020 cho thấy “vùng mất tín hiệu” xung quanh cực Bắc từ. Trong vùng này, la bàn không còn chính xác bởi vì cực Bắc từ đã dịch chuyển. Các bản đồ mới cũng thể hiện cực Bắc từ dịch về phía Đông kinh tuyến gốc kể từ tháng 9/2029 trở đi. Kinh tuyến gốc là kinh tuyến được quy ước là đường đánh dấu độ 0, giờ 0 và phút 0 vào năm 1884, và chạy qua Đài quan sát Hoàng gia ở Greenwich, Anh.

Hiện giờ chưa ai biết liệu hai cực từ của Trái Đất sẽ đổi chỗ cho nhau hay từ trường sẽ trở lại ổn định như trước. Cả hai trường hợp đều đã từng xảy ra trong lịch sử và không ảnh hưởng gì nhiều đến các loài sinh vật. Tuy vậy, các hệ thống định vị hiện đại dựa vào cực Bắc từ và sẽ phải hiệu chuẩn lại nếu như các cực tiếp tục dịch chuyển, ví dụ các sân bay đã phải đặt tên lại cho một số đường băng vốn được đặt tên theo chỉ dẫn của la bàn.

Phạm Hường 

Theo Live Science