1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Cua khổng lồ dài 1 mét tấn công khách du lịch ở Australia

Minh Khôi

(Dân trí) - Con cua dừa bẻ gãy chiếc gậy chơi golf của người đàn ông trên Đảo Christmas, Australia trong một khoảnh khắc ngỡ ngàng của những người xung quanh.

Cua khổng lồ tấn công khách du lịch ở Australia (video: 9news).

Paul Buhner, một khách du lịch đang chơi golf trên đảo Christmas, Australia vừa dùng điện thoại để ghi lại khoảnh khắc độc đáo, khi một con cua khổng lồ không biết từ đâu bò lên, rồi tấn công đồ tư trang của họ.

Con cua thuộc họ cua dừa, còn gọi là "cua cướp" vì hay ăn trộm đồ của khách du lịch đến đảo để kiếm thức ăn. Theo những du khách, con cua này có kích thước đặc biệt lớn, khi dài khoảng 1 mét và nặng tới 5kg. Theo họ, nó là con cua "lớn nhất thế giới" từng được nhìn thấy.

Trong đoạn video, con cua khổng lồ trèo lên túi đồ của Buhner, kẹp chiếc càng của nó vào một cây gậy đánh golf đặt bên trong. Khi Buhner cố gắng đuổi nó đi, không rõ vì lý do gì mà con cua này trở nên hung dữ và quay sang tấn công chiếc gậy. Nó thậm chí kẹp gãy trục chiếc gậy trước sự kinh ngạc của những người xung quanh.

Cua dừa (Birgus latro) là "loài chân đốt sống trên cạn lớn nhất trên thế giới, với trọng lượng có thể lên tới 4,1 kg. Chúng là loài duy nhất của chi Birgus, và có liên quan đến những con cua ký cư trên mặt đất thuộc chi Coenobita. Nó cho thấy một số thích nghi với cuộc sống trên đất liền.

Chúng có tổng cộng 10 chân. Cặp chân lớn nhất có 2 càng lớn, còn gọi là "móng vuốt". Hai cặp chân tiếp theo có móng nhọn, cho phép cua leo lên bề mặt thẳng đứng hoặc nhô ra. Nhờ vậy, chúng chạy bộ trên đất liền và leo trèo rất thành thục.

Chúng cũng sử dụng vỏ trống để bảo vệ bản thân giống loài "cua kí cư", nhưng những con cua trưởng thành phát triển một lớp vỏ cứng rắn nằm trên bụng, và ngừng mang theo một cái vỏ, khi kích thước chúng đã quá lớn. 

Cua dừa đã phát triển các cơ quan được gọi là "phổi branchiostegal" nhằm thích nghi với cuộc sống trên đất liền, được chúng sử dụng thay vì bộ phận mang để thở dưới nước. Vì vậy, chúng không thể bơi, và sẽ bị chết đuối nếu chìm trong nước trong thời gian dài.

Hiện nay, chúng được tìm thấy trên các hòn đảo ở Ấn Độ Dương và các khu vực của Thái Bình Dương, và gần như đã tuyệt chủng tại hầu hết các khu vực có dân số đáng kể, khác bao gồm trên phần đất liền ở Úc và Madagascar.