Công nghệ động cơ đẩy của NASA mang "ô tô bay" đến gần thực tế
(Dân trí) - Hệ thống động cơ có ống dẫn dọc theo hai bên hông và phía sau phương tiện, giúp nó bay lên theo phương thẳng đứng, và tiến về phía trước bằng lực đẩy.
Nếu như là người hâm mộ của những bộ phim giả tưởng, chúng ta ắt hẳn không còn xa lạ với những chiếc ô tô có khả năng phóng ra lực đẩy rồi bay lên bầu trời chẳng khác nào một phi thuyền.
Tin vui là ý tưởng này dường như đã không còn quá xa vời, khi một công ty ở Mỹ cho biết họ đã nắm trong tay "chìa khóa" để biến những cỗ máy viễn tưởng trở thành hiện thực.
Phương tiện được nhắc đến có tên gọi là Epiphany Transporter, hiện đang trong giai đoạn thiết kế. Nó có kích thước tương đương với một chiếc Tesla Model S, có thể chở theo 2 hành khách và hành lý.
Theo mô tả từ công ty Ý tưởng Ứng dụng eVTOL, phương tiện có thể cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng, cũng như đạt vận tốc tối đa lên tới 258 km/h. Điều thú vị là nó không tạo ra âm thanh chói tai như những máy bay siêu thanh.
Thay vào đó, Epiphany Transporter chỉ tạo ra tiếng ồn thấp hơn 55 db ở độ cao 15 mét, tương đương với âm thanh của một ấm đun nước, hay quạt điện khi đang hoạt động.
Bí mật của Epiphany Transporter nằm ở hệ thống động cơ có ống dẫn dọc theo hai bên hông và phía sau, giúp nó có thể bay lên theo phương thẳng đứng, và tiến về phía trước bằng lực đẩy.
Thiết kế ống dẫn này đã được các nhà nghiên cứu tại NASA giới thiệu vào năm 2002, với khả năng tạo ra một lực đẩy khá lớn, tương đương với động cơ phản lực hay cánh quạt trực thăng.
Thêm vào đó, hệ thống ống dẫn sử dụng trên Epiphany Transporter đã được NASA cải tiến trong suốt 2 thập kỷ kể từ lần đầu tiên được thử nghiệm. Nó cũng đang được dùng trong đường hầm gió tại một số cơ sở của NASA.
"Chúng tôi có mọi lý do để tin tưởng vào khả năng của các động cơ đẩy ống dẫn, và tạo thành phương tiện bay như mong đợi", Michael Moshier, Giám đốc điều hành của công ty cho biết.
Ý tưởng về một cỗ máy kết hợp giữa ô tô và máy bay đã xuất hiện từ những năm 1900, khi Glen Curtis, một kỹ sư hàng không, tháo rời các chi tiết của máy bay rồi gắn vào một chiếc Ford Model T.
Ông gọi phương tiện là Autoplane, và đây chính là khái niệm đầu tiên về ô tô bay trên thế giới.
Nó được trang bị động cơ 100 mã lực, cung cấp năng lượng cho cánh quạt gắn phía sau thông qua trục và dây đai. Qua đó, động cơ đẩy chiếc xe trên mặt đất và trên không.
Mặc dù Autoplane chưa bao giờ thực sự cất cánh, nhưng thiết kế này đã tạo cảm hứng và đặt nền móng cho những ý tưởng xuất hiện sau này.