Có thể xác định nhanh các trận động đất xảy ra ở khu vực miền Trung

Nguyễn Hùng

(Dân trí) - Số liệu mạng trạm quan trắc động đất góp phần vào việc xác định nhanh, chính xác thông tin các trận động đất xảy ra ở khu vực miển Trung phục vụ công tác báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.

Đó là thành quả của việc nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm động đất phục vụ quy hoạch phát triển vùng lãnh thổ, đảm bảo an toàn công trình thủy điện, thủy lợi và di tích văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế.

Có thể xác định nhanh các trận động đất xảy ra ở khu vực miền Trung - 1

Đây là đề tài Độc lập cấp nhà nước, lĩnh vực Khoa học trái đất được giao cho Viện Vật lý địa cầu thực hiện. Chủ nhiệm nhiệm vụ là TS Nguyễn Ánh Dương. Mục tiêu của nhiệm vụ được giao là làm sáng tỏ đặc trưng hoạt động động đất tỉnh Thừa Thiên Huế, trọng tâm là khu vực các hồ chứa; Đánh giá chi tiết độ nguy hiểm động đất khu vực thành phố Huế; Đề xuất các giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại phục vụ quy hoạch đảm bảo an toàn công trình hồ đập và công trình di tích văn hóa.

 Sau 4 năm nghiên cứu, TS Nguyễn Ánh Dương và các cộng sự đã có những báo cáo về kết quả nghiên cứu này. Theo đó, các nhà đã hoàn thành nhiệm vụ được giao khi xây dựng được 10 trạm quan trắc động đất khu vực Thừa Thiên Huế góp phần xác định chính xác các trận động đất nhỏ có độ lớn cỡ M=1,0.

 Thành lập được danh mục động đất khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế và lân cận từ năm 1829 - 2020, có đầy đủ thông tin về thời gian, tọa độ, độ sâu của các trận động đất có độ lớn M ≥ 0,2;

Các bản đồ địa chấn kiến tạo và địa động lực hiện đại khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế và lân cận tỷ lệ 1:250.000 và chi tiết cho khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế tỷ lệ 1:50.000, có đầy đủ thông tin về ranh giới khối, các mảng cấu trúc, trường ứng suất kiến tạo hiện đại, phân đoạn đứt gãy, hình động học đứt gãy, phân bố động đất theo không gian và độ lớn,...

Bộ bản đồ độ nguy hiểm động đất khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế và lân cận tỷ lệ 1:250.000 và chi tiết cho thành phố Huế tỷ lệ 1:50.000 và 1:10.000, đáp ứng yêu cầu sử dụng trong thiết kế kháng chấn cho các công trình xây dựng, vận hành an toàn công trình thủy điện, thủy lợi và bảo tồn di sản văn hóa. Cụ thể của các bản đồ sau: Bản đồ phân bố gia tốc nền cực đại và cường độ chấn động cực đại Imax (MSK-64) trên nền đá (nền loại A) cho khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế và lân cận tỷ lệ 1: 250.000.

Các bản đồ phân bố gia tốc nền và cường độ chấn động I (MSK-64) trên nền đá (nền loại A) với chu kỳ lặp lại 200, 500, 1000, 2500 và 10.000 năm cho khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế và lân cận tỷ lệ 1: 250.000.

Bản đồ phân bố gia tốc nền cực đại và cường độ chấn động cực đại Imax (MSK-64) khu vực TP. Huế theo điều kiện nền đất tỷ lệ 1:50.000 và 1:10.000.

 Các bản đồ phân bố gia tốc nền và cường độ chấn động I (MSK-64) với chu kỳ lặp lại 200, 500, 1000, 2500 và 10.000 năm khu vực TP. Huế theo điều kiện nền đất tỷ lệ 1:50.000 và 1: 10.000.

 Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng lập ra sơ đồ phân bố giá trị vận tốc truyền sóng ngang Vs30 khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế và lân cận, sơ đồ phân bố giá trị chu kỳ trội dao động nền đất khu vực TP. Huế và các đường phổ phản ứng gia tốc của các loại nền đất khu vực TP. Huế, đáp ứng yêu cầu sử dụng trong thiết kế kháng chấn cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Báo cáo tổng hợp đề tài gồm đầy đủ thông tin về động đất, đứt gãy kiến tạo, độ nguy hiểm động đất, các giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai cho hồ đập và các di tích văn hóa khu vực Thừa Thiên Huế và lân cận; Bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp về nguy hiểm động đất trên nền GIS, chạy trên hệ điều hành Windows, cài đặt trên máy PC. Có giao diện đồ họa thân thiện, dễ sử dụng. Hiển thị được toàn bộ các kết quả nghiên cứu của đề tài dưới dạng hình ảnh, bản đồ.

Các nhà nghiên cứu cũng khẳng định, kết quả nghiên cứu cung cấp những thông tin về đặc điểm cấu trúc, kiến tạo - địa động lực hiện đại, về động đất, đứt gãy hoạt động, mức độ nguy hiểm động đất. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn có thể sử dụng như những tài liệu cơ sở để đánh giá các tai biến thiên nhiên khác như trượt lở...

Kết quả của nghiên cứu sử dụng được trong thiết kế kháng chấn cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó, cung cấp những thông tin KH&CN hỗ trợ cho các nhà quản lý trong quy hoạch hợp lý nhằm giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra. Cảnh báo cho cộng đồng dân cư sống trong khu vực động đất có các giải pháp chủ động tích cực trong xây dựng, quy hoạch phát triển kinh tế; Thông tin tổng hợp về phương pháp, số liệu, kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần đào tạo, giáo dục cộng đồng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trẻ trong nghiên cứu.

 Nói về hiệu quả xã hội, TS Nguyễn Ánh Dương cho hay, từ các kết quả của để tài, chính quyền địa phương sẽ đưa ra các phương án thích hợp trong quy hoạch phát triển vùng lãnh thổ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Nâng cao khả năng phòng chống động đất cho các công trình xây dựng nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của, góp phần vào ổn định tình hình kinh tế - xã hội khi động đất xảy ra.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm