1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Có thể bạn chưa biết: Sức tàn phá khủng khiếp của dòng "dung nham lạnh"

Minh Khôi

(Dân trí) - Dung nham lạnh có sức tàn phá mạnh và nguy hiểm hơn so với dòng dung nham thông thường, khi chúng có thể dễ dàng nghiền nát hoặc chôn vùi hầu hết mọi thứ trên đường đi.

Có thể bạn chưa biết: Sức tàn phá khủng khiếp của dòng dung nham lạnh - 1

Sét xuất hiện giữa cơn bão khi núi Ibu phun trào ngày 18/5 (Ảnh: PVMBG).

Ngày 1/6, núi lửa Ibu trên đảo Halmahera thuộc tỉnh miền đông Indonesia đã phun trào mạnh mẽ, với cột tro bụi cao tới 7 km lên không trung. Được biết, núi lửa Ibu đã liên tục phun trào kể từ đầu tháng 5. Tuy nhiên, đây là lần hoạt động mạnh nhất của ngọn núi lửa này tính trong năm 2024.

Cơ quan cảnh báo thảm họa của nước này ghi nhận hiện tượng dòng dung nham lạnh hình thành trong vụ phun trào, và cảnh báo người dân sơ tán khỏi những khu vực dễ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, chính quyền địa phương thì khuyến cáo người dân nên ở trong nhà, không nên tiến hành các hoạt động ngoài trời trong bán kính 4,5km tính từ miệng núi lửa, vì bầu không khí có thể bị ô nhiễm bởi tro và khói bụi.

Dung nham lạnh nguy hiểm thế nào?

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), dung nham là đất, đá nóng chảy trào ra từ núi lửa trong quá trình phun trào.

Còn dung nham lạnh, có tên "lahar" trong tiếng Java, là một hỗn hợp nóng hoặc lạnh của nước và các mảnh đá cuội, chảy xuống sườn núi lửa và thường hướng tới các thung lũng.

Có thể bạn chưa biết: Sức tàn phá khủng khiếp của dòng dung nham lạnh - 2

Ảnh chụp ở miền Tây Sumatra sau thảm họa mưa lớn gây lũ quét và khiến dung nham lạnh tuôn ra từ núi Marapi ngày 13/5 (Ảnh: Getty).

Chúng có dạng như lớp bùn, nhưng chảy rất nhanh khi dọc theo sườn núi, với tốc độ lên tới hàng trăm km/h, và có thể lan xa tới 60 km tính từ miệng núi lửa.

USGS cho biết dung nham lạnh có sức tàn phá mạnh và nguy hiểm hơn so với dòng dung nham thông thường, khi chúng có thể dễ dàng nghiền nát hoặc chôn vùi hầu hết mọi thứ trên đường đi.

Điều nguy hiểm là dung nham lạnh có thể hình thành dù có hoặc không có vụ phun trào từ núi lửa.

Theo đó, hiện tượng mưa lớn hoặc tuyết rơi cũng có thể làm xói mòn và khiến lớp trầm tích núi lửa trở thành dòng chảy nguy hiểm.

Vì sao Indonesia có nhiều núi lửa?

Có thể bạn chưa biết: Sức tàn phá khủng khiếp của dòng dung nham lạnh - 3

Dung nham nóng chảy thoát ra từ thảm họa núi lửa phun trào (Ảnh: Getty).

Indonesia sở hữu quần đảo với 120 ngọn núi lửa đang hoạt động, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Tại đây, tình trạng núi lửa phun trào diễn ra khá thường xuyên, vì quốc gia này nằm trên "vành đai lửa" Thái Bình Dương - khu vực được xem là bất ổn nhất về mặt địa chất.

Theo các chuyên gia địa chất, vành đai này thường xuyên xảy ra núi lửa vì các mảng kiến tạo xếp chồng lên nhau và hội tụ tại các điểm hút chìm. Tại đó, các mảng bên dưới bị mảng trên đẩy xuống và chìm vào trong lớp phủ Trái Đất.

Dần theo thời gian, các mảng này tan chảy và trở thành đá magma. Khi đá magma nóng chảy phun trào lên mặt đất qua các vết nứt trên lớp vỏ Trái Đất, nó tạo nên núi lửa.

Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố làm gia tăng hiện tượng động đất và phun trào núi lửa trong những năm gần đây, do mối quan hệ giữa lượng mưa và các hoạt động địa chấn.

Điều này xảy ra khi một số khu vực gặp hạn hán, khiến lớp đất nền trở nên mất ổn định và hình thành nhiều magma hơn. Ngoài ra, việc băng tan tại các vùng cực cũng có khả năng làm tăng hoạt động núi lửa trong tương lai.