1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Có nên sử dụng acetaminophen trong quá trình mang thai?

(Dân trí) - Acetaminophen là thuốc dùng để hạ sốt và giảm đau, thường được xem là an toàn trong thời kỳ mang thai và được nhiều phụ nữ mang thai tin dùng.

Ảnh: Shutterstock.com
Ảnh: Shutterstock.com

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố ngày 15/8 trên tạp chí JAMA Pediatrics của Anh quốc đã phát hiện, nếu người phụ nữ dùng acetaminophen trong quá trình mang thai thì có nhiều khả năng sẽ sinh ra những đứa trẻ gặp phải các vấn đề về hành vi khi lớn lên sau này.

Theo nghiên cứu này, ở hai thời điểm trong quá trình mang thai – 18 tuần và 32 tuần – các nhà nghiên cứu hỏi những người phụ nữ rằng họ có vừa mới uống acetaminophen hay không, và thấy rằng những đứa trẻ trước khi sinh đã có tiếp xúc với thuốc không theo kê đơn của bác sĩ ở cả 2 thời điểm trên thì có nguy cơ cao hơn sẽ gặp phải những khó khăn về hành vi khi lớn lên, chẳng hạn như tăng động, các vấn đề về lối cư xử; hoặc các triệu chứng cảm xúc, so với những đứa trẻ mà bà mẹ không uống acetaminophen tại 2 thời điểm đó.

Nhóm các nhà nghiên cứu do Evie Stergiakouli – một giảng viên về dịch tễ học di truyền và di truyền học thống kê tại Đại học Bristol, Anh quốc đã viết trong nghiên cứu: “Các phát hiện đã chứng minh rằng trẻ em có tiếp xúc trước khi sinh với acetaminophen trong tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 sẽ bị tăng nguy cơ gặp nhiều khó khăn về hành vi”.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của gần 8.000 phụ nữ đã tham gia vào dự án Nghiên cứu Sức khỏe Dài hạn dành cho Cha mẹ và Trẻ em (Avon Longitudinal Study of Parents and Children) – một dự án vẫn đang diễn ra tại Anh nhằm tìm các yếu tố về môi trường và di truyền có ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của con người. Tất cả các phụ nữ đều đang mang thai khi họ tham gia vào nghiên cứu này – từ tháng 4/1991 tới tháng 12/1992.

Theo nghiên cứu này, những người phụ nữ và bạn đời của họ điền vào bảng câu hỏi bao gồm các câu hỏi về việc sử dụng acetaminophen ở tuần thứ 18 và 32 của thai kỳ, và một lần nữa khi con của họ được 5 tuổi. Khi đứa trẻ sang 7 tuổi, những bà mẹ điền vào một bảng câu hỏi khác, lần này liên quan đến bất kỳ vấn đề nào về hành vi mà đứa trẻ mắc phải.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, 53% trong số các bà mẹ đã sử dụng acetaminophen ở tuần thứ 18 của thai kỳ, và 42% sử dụng ở tuần thứ 32 của thai kỳ. Sau khi mang thai, 89% trong số bạn đời của họ đã dùng acetaminophen. Nghiên cứu này đã báo cáo có 5% số lượng trẻ em mắc các vấn đề về hành vi.

Khi phụ nữ uống thuốc giảm đau mà không theo kê đơn ở tuần thứ 18 và 32 của thai kỳ, thì việc sử dụng thuốc này làm tăng nguy cơ về khả năng con của những người phụ nữ này sẽ mắc các vấn đề về hành vi lên 42%, và tăng nguy cơ các đứa trẻ có các triệu chứng tăng động lên 31%.

Ngoài ra, theo nghiên cứu này, khi phụ nữ uống thuốc ở tuần thứ 32 của thai kỳ, việc sử dụng thuốc này làm tăng nguy cơ về khả năng con họ sẽ gặp các vấn đề về cảm xúc lên 29% và nguy cơ các đứa trẻ sẽ gặp “khó khăn tổng thể” tăng 46%. Các khó khăn tổng thể bao gồm tăng động, các triệu chứng về hành vi và cảm xúc, cũng như khó khăn với các mối quan hệ bạn bè.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm hiểu được các cơ chế mà acetaminophen có thể gây ra các vấn đề về hành vi trong khi mang thai. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng nó có tác động trong tử cung. Nói cách khác, khi một bà bầu sử dụng acetaminophen, thuốc này có thể đi qua nhau thai và xâm nhập vào tử cung.

Mối liên quan giữa các bà mẹ sử dụng acetaminophen trong tam cá nguyệt thứ ba với các vấn đề về hành vi và cảm xúc ở những đứa con của họ lớn hơn so với các bà mẹ sử dụng acetaminophen trong tam cá nguyệt thứ hai. Điều này cho thấy rằng, có thể có những giai đoạn phát triển của thai nhi mà khi đó bộ não nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với acetaminophen.Theo nghiên cứu này, trong tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ, bộ não của thai nhi đang tích cực phát triển.

Zeyan Liew- một học giả sau tiến sĩ về ngành dịch tễ học tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ - một người không tham gia vào nghiên cứu này cho biết, đây không phải là nghiên cứu đầu tiên cho thấy có mối liên hệ giữa việc sử dụng acetaminophen của người mẹ trong quá trình mang thai và các vấn đề về hành vi ở con của họ. Nghiên cứu này bổ sung và hỗ trợ thêm cho các nghiên cứu trước đó. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã có thể loại trừ các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến các vấn đề về hành vi ở trẻ em, bao gồm cả di truyền và lịch sử gia đình. Liew cũng nói thêm, nghiên cứu này cũng có một số hạn chế: những người phụ nữ trong nghiên cứu này không cung cấp thông tin về lượng acetaminophen và tần suất mà họ đã sử dụng. Và các vấn đề về hành vi ở trẻ em này là do các bà mẹ báo cáo, chứ không phải kết luận trực tiếp của các bác sĩ.

Mặc dù, các chứng cứ đang được tích lũy đã cho thấy có một mối liên kết giữa việc sử dụng acetaminophen và sự phát triển não bộ của thai nhi, các nhà khoa học “vẫn cần tìm thấy nhiều bằng chứng hơn”. Hiện vẫn chưa rõ về nguy cơ của việc không điều trị các cơn sốt hoặc đau có ít hơn so với nguy cơ khi sử dụng acetaminophen để hạ sốt và giảm đau hay không.

Trong khi các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục thu thập thêm các bằng chứng, thì phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống acetaminophen, và cũng chỉ nên sử dụng thuốc này khi thật cần thiết.

Anh Thư (Tổng hợp)