1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Cơ hội nào cho kính viễn vọng Hubble kéo dài sự sống?

Phạm Hường

(Dân trí) - SpaceX sẽ phóng tàu vũ trụ lên không gian để khôi phục quỹ đạo cho kính viễn vọng không gian Hubble, nhằm mục đích kéo dài sự sống của đài quan sát thiên văn này.

Cơ hội nào cho kính viễn vọng Hubble kéo dài sự sống? - 1

Hubble vào tháng 5/2009, sau khi thực hiện nhiệm vụ cuối cùng. (Ảnh: NASA/Flickr)

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Hãng công nghệ SpaceX đã nhất trí xem xét khả năng trao hợp đồng cho SpaceX để tiếp tục hoạt động của kính viễn vọng không gian Hubble trên quỹ đạo.

Hubble bắt đầu hoạt động từ năm 1990, nó bay trên quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 540 km. Hubble không có động cơ đẩy để chống lại lực cản dù nhỏ của khí quyển ở vùng không gian này nên quỹ đạo của nó không cố định mà thay đổi từ từ, hạ dần về phía mặt đất. Các chuyến bay của tàu Con Thoi trước đây có một phần nhiệm vụ là phục hồi độ cao cho Hubble.

Theo hợp đồng giữa NASA và SpaceX, một con tàu nhỏ có tên Con Rồng SpaceX sẽ được phóng lên để làm nhiệm vụ khôi phục một lần nữa quỹ đạo cho Hubble.

Trưởng nhóm phụ trách khoa học của NASA, ông Thomas Zurbuchen cho biết vài tháng trước, SpaceX đã làm việc với NASA trên cơ sở ý tưởng nghiên cứu xem một phi hành đoàn của họ có thể giúp sửa chữa lại kính viễn vọng này hay không. Ông nói rõ rằng hiện tại chưa có kế hoạch cụ thể để tiến hành hay tài trợ cho dự án này và phải chờ đến khi có thêm chi tiết liên quan đến vấn đề kỹ thuật.

Một trong những khó khăn lớn nhất là không giống như tàu Con Thoi, tàu Con Rồng không có cánh tay robot và cần được thay đổi để phù hợp với nhiệm vụ này.

SpaceX đề xuất ý tưởng kết hợp với Chương trình Polaris, một dự án du hành vũ trụ tư nhân do tỷ phú Jared Isaacman đứng đầu. Trước câu hỏi liệu Polaris có đặt mục tiêu tương lai là khởi động lại kính viễn vọng Hubble hay không, ông Isaacman cho biết điều đó nằm trong khả năng của Polaris vì nó đã được thiết kế với những thông số hoàn toàn phù hợp.

Hubble được đánh giá là một trong những công cụ có giá trị nhất trong lịch sử khoa học, nó vẫn đang tiếp tục thực hiện những khám phá quan trọng, trong đó có việc phát hiện ra ngôi sao đơn độc xa nhất từng được nhìn thấy, ngôi sao Earendel ở cách chúng ta 12,9 tỷ năm ánh sáng.

Ông Patrick Crouse, Giám đốc Dự án Kính viễn vọng không gian Hubble, cho biết theo dự báo hiện nay, nó vẫn có thể hoạt động trong suốt thập kỷ này, và 50% khả năng sẽ chệch khỏi quỹ đạo vào năm 2037.