1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Cơ chế tiêm chất độc trong một phần triệu giây của sứa biển

Minh Khôi

(Dân trí) - Vết đốt của sứa gây kích ứng trên da, có thể diễn biến nghiêm trọng, dẫn tới đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu và đe dọa tới tính mạng.

Mới đây, một bé gái 7 tuổi trong lúc tắm biển ở Nha Trang đột nhiên bất tỉnh, hai tay nổi mẩn đỏ dày đặc. Khi được đưa vào bệnh viện, bác sĩ xác định, cháu bé đã bị sứa đốt gây nên tình trạng trên.

Theo các chuyên gia, sứa đốt (hay còn gọi là bỏng sứa) là vấn đề thường gặp đối với những người du lịch biển, hay thường xuyên lội nước hoặc lặn xuống đáy biển.

Vì sao sứa đốt nguy hiểm?

Lý giải cách sứa đốt (Video: TED-ed).

Khi chúng ta tiếp xúc với sứa trong nước biển, những chiếc xúc tu dài của chúng theo cơ chế phòng vệ, sẽ tiêm nọc độc từ hàng ngàn chiếc ngòi gai siêu nhỏ.

Mỗi xúc tu của sứa có chứa nhiều nang trâm. Bên trong chúng là một ống cuộn, chịu áp suất thẩm thấu cao, và ngòi gai độc có đầu nhọn.

Khi có tác nhân cơ học hay hóa học kích hoạt các thụ cảm trên nang, nắp của tế bào bật mở, khiến nước biển tràn vào. Lúc này, áp suất làm phóng những chiếc gai đâm xuyên qua da, tiêm nọc độc vào nạn nhân.

Đây là một trong những chu trình sinh-hóa tự nhiên diễn ra nhanh nhất, toàn bộ các thao tác từ bật nắp, phóng gai... chỉ vỏn vẹn 1 phần triệu giây.

Thông thường, vết đốt của sứa gây kích ứng trên da, có cảm giác đau tức thời và xuất hiện các vết viêm trên da. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện các mụn nước, bóng nước, trợt da.

Các triệu chứng của vết đốt có thể diễn biến nghiêm trọng, dẫn tới đau bụng, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, ngất xỉu, khó thở... Trong một số ít trường hợp, chúng đe dọa đến tính mạng.

Lưu ý gì khi bị sứa đốt?

Cơ chế tiêm chất độc trong một phần triệu giây của sứa biển - 1

Vết sứa đốt trên da (Ảnh: Twitter).

Khi phát hiện thấy sứa bám trên da, việc quan trọng đầu tiên cần làm là loại bỏ những xúc tu còn sót lại của chúng trên da. Nguyên nhân là bởi sứa vẫn có thể đốt ngay cả sau khi chúng đã chết.

Rửa vết thương với giấm sẽ làm những nang còn chưa kịp phóng gai độc bị mất cơ chế hoạt động. Nước biển cũng có thể giúp loại bỏ bớt những nang còn dư bám lại trên da.

Tuy nhiên, tuyệt đối cần tránh rửa vùng bị sứa đốt bằng nước. Nguyên nhân là bởi sự chênh lệch nồng độ muối sẽ làm thay đổi áp suất thẩm thấu của những nang còn sót lại, khiến chúng kích hoạt phản ứng phóng gai độc, làm vết thương thêm trầm trọng.

Bên cạnh đó, bạn không nên áp dụng các phương pháp chữa "mẹo" dân gian, như tưới nước tiểu, chườm đá, chườm nước nóng, đắp lá cây... lên vết thương, vì có thể gây hại tùy vào thành phần của chất tiếp xúc.

Bạn cũng nên hạn chế, không sờ vào vùng da bị tổn thương để tránh sự lan rộng. Khi bị sứa đốt, nên tìm tới sự hỗ trợ y tế, và làm theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng thuốc không đúng loại.

Các bác sĩ cho biết, mùa hè là thời điểm hoạt động du lịch biển tăng cao. Khi đi tắm biển, người dân hãy chú ý tìm hiểu kỹ thông tin về bãi biển hoặc hỏi người dân địa phương về sự xuất hiện của sứa, đặc biệt là sứa lửa.

Từ đó, có những chủ động trong phòng tránh và chuẩn bị thuốc phù hợp mang theo.