Chủ nhân “Vật liệu carbon mới” nhận Giải thưởng ASPRE 2017
(Dân trí) - Tối 11/5, với tư cách nước đăng cai APEC 2017, Việt Nam (đại diện là Bộ KH&CN) đã phối hợp với Ban Tổ chức ASPIRE tổ chức lễ trao Giải thưởng Khoa học APEC về Đổi mới, Nghiên cứu và Giáo dục (ASPIRE 2017). Với lĩnh vực nghiên cứu chính “Vật liệu carbon mới”, TS. Yanwu Zhu, Đại học KH&CN Trung Quốc đã vinh dự nhận Giải thưởng này.
Giải thưởng ASPIRE là giải thưởng hàng năm nhằm công nhận các nhà khoa học trẻ có các công trình, ấn phẩm nghiên cứu khoa học xuất sắc, đồng thời có các hoạt động hợp tác với các nhà khoa học từ các nền kinh tế thành viên APEC khác.
Mục đích của Giải thưởng ASPIRE nhằm tăng cường mạng lưới khoa học và công nghệ quốc tế; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các cơ hội thương mại và đầu tư trong sự hài hòa với phát triển bền vững, thông qua các chính sách, đổi mới nghiên cứu và công nghệ, và chia sẻ tri thức; thúc đẩy mối liên kết giữa nghiên cứu và đổi mới.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khanh trao Giải thưởng cho Tiến sĩ Yanwu Zhu.
Về chủ đề Giải thưởng thì mỗi năm nền kinh tế đăng cai APEC sẽ chọn và đưa ra một chủ đề để các nền kinh tế thành viên đề cử các ứng viên phù hợp với chủ đề được lựa chọn tham gia giải thưởng ASPIRE. Các chủ đề ASPIRE trong thời gian qua bao gồm: Năm 2011 - Hoa Kỳ - “Tăng trưởng xanh”; Năm 2012 - Nga -“Đổi mới Y tế”; Năm 2013 - Indonesia -“Phát triển biển bền vững”; Năm 2014 - Trung Quốc -“Giao thông thông minh”; Năm 2015 - Philippines - “Giảm rủi ro thiên tai: nhận thức vai trò của biến đổi khí hậu và sự đa dạng”; Năm 2016 - Peru –“Công nghệ trong an ninh lương thực”.
Trên cơ sở nội dung hướng chủ đề “Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” trong Năm APEC Việt Nam 2017, “Thúc đẩy nội hàm đổi mới khoa học và công nghệ”, chủ đề “Công nghệ vật liệu mới” đã được lựa chọn cho Giải thưởng ASPIRE 2017.
Năm 2017 là năm thứ 7 Giải thưởng ASPIRE được tổ chức, với 17 ứng viên của các nền kinh tế thành viên APEC. Đây là con số ứng viên tham gia Giải thưởng ASPIRE nhiều nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực Công nghệ vật liệu mới như vật liệu y sinh, pin năng lượng hữu cơ, nano medicine...
Theo quy định, mỗi nền kinh tế thành viên sẽ xem xét đề cử một nhà khoa học trẻ (công dân của nền kinh tế APEC)với độ tuổi dưới 40. Các ứng cử viên phải có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, có hoạt động hợp tác với các nhà khoa học từ các nền kinh tế thành viên APEC khác, và có tác động ảnh hưởng đến các nền kinh tế APEC thông qua việc nghiên cứu, thương mại kết quả nghiên cứu, đổi mới thị trường liên quan đến chủ đề. Các nền kinh tế APEC sẽ đưa ra biểu lựa chọn ứng viên để Ban Tổ chức tổng hợp, và đưa ra kết quả ứng viên được lựa chọn nhiều nhất.
Năm nay Việt Nam đã đề cử công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Đình Phong (Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, USTH) tham dự ASPIRE 2017. Công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Phong đã được công bố trên tạp chí số một thế giới về khoa học vật liệu vào năm 2016, với việc tìm ra cấu trúc và cơ chế hoạt động của một chất xúc tác thay thế cho vật liệu đắt tiền là bạch kim. Mặc dù không được vinh danh ở Giải thưởng năm nay nhưng công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Phong được các nhà khoa học đánh giá rất cao.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh phát biểu tại buổi lễ trao Giải thưởng.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Trần Quốc Khánh -Thứ trưởng Bộ KH&CN chia sẻ: Trên thực tế, việc phát triển và sử dụng các vật liệu mới có đặc điểm và tính năng được cải tiến là yêu cầu quan trọng để cung cấp các giải pháp đáp ứng những thách thức công nghệ kỹ thuật hiện đại trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0). Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ vật liệu mới đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực nghiên cứu và kết nối giữa các nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương.
“Với chủ đề “Công nghệ Vật liệu mới”, có thể nói là năm nay là năm ASPIRE thành công với sự đề cử của 17 nền kinh tế thành viên. Tôi xin chân thành chúc mừng tất cả các ứng viên, đặc biệt là người chiến thắng Giải thưởng ASPIRE năm nay, vì những nỗ lực tuyệt vời, tri thức và sự cống hiến cho khoa học và đổi mới. Tôi tin rằng, thông qua chủ đề ASPIRE 2017 “Công nghệ Vật liệu mới”, các nhà khoa học trẻ APEC sẽ có cơ hội rất tốt để thể hiện công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc về vật liệu mới cũng như thúc đẩy hợp tác với các nhà khoa học trong khu vực APEC.” – Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.
Nguyễn Hùng
Ảnh: Nguyễn Loan