Chủ nhân Giải thưởng nghiên cứu trẻ Vật lý 2018: “Chăm chỉ là bí quyết để vượt qua khó khăn”

(Dân trí) - Tiến sĩ Trần Viết Nhân Hào - giảng viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế vừa về đến Huế sau khi nhận Giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2018 của Hội Vật lý Lý thuyết Việt Nam tại Hội nghị Vật lý Lý thuyết toàn quốc lần thứ 43, TP Quy Nhơn. Phóng viên đã có cuộc trao đổi thú vị với tiến sĩ này về khoa học Vật lý.

PV: Xin chào Tiến sĩ Trần Viết Nhân Hào. Lời đầu tiên xin chúc mừng Tiến sĩ đã đạt giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2018 của Hội Vật lý Lý thuyết Việt Nam. Được biết, đây là Giải thưởng rất có uy tín của Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam, công trình do tiến sĩ làm chủ nhiệm cũng được đánh giá là công trình xuất sắc, có giá trị khoa học cao. Vậy tiến sĩ có thể chia sẻ với độc giả về công trình đó?

TS. Trần Viết Nhân Hào: Tôi xin cảm ơn lời chúc mừng của quý cơ quan. Công trình được giải thưởng bao gồm 3 công trình nghiên cứu của tôi và đồng nghiệp về các thông số vi mô đầu vào cho các phản ứng hạt nhân. Các kết quả thu được với kì vọng sẽ giúp giải quyết một phần nhỏ những khó khăn của cộng đồng vật lý hạt nhân thế giới khi nghiên cứu các hạt nhân không bền. 3 công trình được đăng trên tạp chí Physical Review C là một trong những tạp chí uy tín hàng đầu thế giới trong chuyên ngành Vật lý hạt nhân.

Mô tả một cách có hệ thống rào phân hạch của 3 đồng vị đất hiếm quan trọng nhất 238Pu, 239Pu, 240Pu. Kết quả thu được trực tiếp từ tương tác hai hạt hiệu dụng nucleon-nucleon và không sử dụng các thông số làm khớp với thực nghiệm. Các đồng vị trên được sử dụng để tạo ra năng lượng hạt nhân (ảnh: Tác giả cung cấp thuộc kết quả nghiên cứu từ công trình được giải thưởng)
Mô tả một cách có hệ thống rào phân hạch của 3 đồng vị đất hiếm quan trọng nhất 238Pu, 239Pu, 240Pu. Kết quả thu được trực tiếp từ tương tác hai hạt hiệu dụng nucleon-nucleon và không sử dụng các thông số làm khớp với thực nghiệm. Các đồng vị trên được sử dụng để tạo ra năng lượng hạt nhân (ảnh: Tác giả cung cấp thuộc kết quả nghiên cứu từ công trình được giải thưởng)

Nhân duyên nào đưa Tiến sĩ đến với công trình nghiên cứu khoa học này?

TS. Trần Viết Nhân Hào: Tôi may mắn có những người thầy là những chuyên gia nổi tiếng trên thế giới về lĩnh vực này như GS. Philippe Quentin (Đại học Bordeaux), GS. Nguyễn Văn Giai (Đại học Paris-Sud), GS. Đào Tiến Khoa (Viện Khoa học Kĩ thuật hạt nhân Hà nội) và TS. Nguyễn Đình Đăng (Viện nghiên cứu hóa lý Nhật Bản). Chính họ là những người khổng lồ mà tôi được vinh dự đứng trên vai họ. Tôi rất biết ơn họ.

Ngoài ra tôi có sự giúp đỡ của các đồng nghiệp trẻ rất xuất sắc như PGS. Nguyễn Quang Hưng (Đại học Duy Tân), TS. Bùi Minh Lộc (Đại học Sư Phạm TP Hồ Chí Minh) và Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Phúc (Viện Khoa học Kĩ thuật hạt nhân Hà nội). Họ là những người đồng hành với tôi để trải qua những khó khăn thường nhật khi thực hiện các nghiên cứu trên.

Khi tiến hành nghiên cứu, Tiến sĩ đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

TS. Trần Viết Nhân Hào: Làm nghiên cứu là một quá trình trải qua sự khổ hạnh. Một năm có ít ngày vui trong khi ngày nào cũng gặp khó khăn cần giải quyết. Khó khăn lớn nhất là vượt qua chính mình và nhất là vượt qua sự sợ hãi.

Tiến sĩ Trần Viết Nhân Hào (giữa) đạt giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2018 của Hội Vật lý Lý thuyết Việt Nam. Công trình đoạt giải bao gồm 3 công trình nghiên cứu của TS. Hào và đồng nghiệp về các thông số vi mô đầu vào cho các phản ứng hạt nhân
Tiến sĩ Trần Viết Nhân Hào (giữa) đạt giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2018 của Hội Vật lý Lý thuyết Việt Nam. Công trình đoạt giải bao gồm 3 công trình nghiên cứu của TS. Hào và đồng nghiệp về các thông số vi mô đầu vào cho các phản ứng hạt nhân

Tiến sĩ đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

TS. Trần Viết Nhân Hào: Tôi có một người cha tuyệt vời là ông Trần Viết Điền vốn cũng là người nghiên cứu Vật lý và Lịch sử (Lăng mộ Hoàng Đế Quang Trung). Những lúc khó khăn tôi thường nhớ tới hình ảnh cha tôi ngồi làm việc thâu đêm suốt sáng với sự đam mê tột độ. Cho nên bí quyết để vượt qua khó khăn của tôi là làm việc chăm chỉ.

Công trình sẽ có giá trị ứng dụng thực tế như thế nào? Lợi ích mà nó sẽ mang lại?

TS. Trần Viết Nhân Hào: Hiện tại tôi và PGS. Nguyễn Quang Hưng (Trường Đại học Duy Tân) mong muốn xây dựng được một cơ sở dữ liệu cho 4 thông số đầu vào vi mô là: rào phân hạch hạt nhân, thế quang học, mật độ mức hạt nhân và hàm lực bức xạ. Nếu thành công, các thông số trên sẽ là nền tảng cho các nhóm thực nghiệm trong và ngoài nước có thể sử dụng để tiên đoán một số đại lượng cho việc nghiên cứu hạt nhân nằm xa đường bền.

Tán xạ đàn hồi neutron lên hạt nhân 208Pb ở năng lượng 14.5 MeV. Kết quả thu được trực tiếp từ tương tác hai hạt hiệu dụng nucleon-nucleon và không sử dụng bất kì tham số làm khớp với thực nghiệm nào. Kết quả này mở ra một phương án để tính thế quang học vi mô cho việc mô tả các phản ứng cho các hạt nhân nằm xa đường bền (ảnh: Tác giả cung cấp thuộc kết quả nghiên cứu từ công trình được giải thưởng)
Tán xạ đàn hồi neutron lên hạt nhân 208Pb ở năng lượng 14.5 MeV. Kết quả thu được trực tiếp từ tương tác hai hạt hiệu dụng nucleon-nucleon và không sử dụng bất kì tham số làm khớp với thực nghiệm nào. Kết quả này mở ra một phương án để tính thế quang học vi mô cho việc mô tả các phản ứng cho các hạt nhân nằm xa đường bền (ảnh: Tác giả cung cấp thuộc kết quả nghiên cứu từ công trình được giải thưởng)

Những dự định nghiên cứu trong tương lai của Tiến sĩ là gì?

TS. Trần Viết Nhân Hào: Tôi còn ấp ủ một dự định đó là xử lý triệt để vấn đề Coulomb trong mô hình lượng tử hệ ba hạt Faddeev. Đây là vấn đề đã làm nản lòng bao nhà nghiên cứu lý thuyết hạt nhân hơn 50 năm qua. Đây cũng là vấn đề mà tôi chưa xử lý xong trong thời gian tôi làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở đại học Texas A&M (Hoa Kì).

Tiến sĩ là nhà khoa học trẻ rất thành công trong nghiên cứu. Vậy anh có thể chia sẻ bí quyết để thành công trên con đường khoa học; đồng thời gửi đôi lời nhắn nhủ cho thế hệ trẻ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế?

TS Trần Viết Nhân Hào: Nghiên cứu là một con đường khổ-hạnh. Khi làm nghiên cứu các bạn phải đối diện với gian nan hàng ngày. Hãy đi theo nó nếu bạn thật sự đam mê. Cho nên chọn người thầy để dẫn đường đi là một nhân tố quan trọng sống còn cho mọi khởi đầu. Khi đã có con đường đi thì hãy tin và dũng cảm đi đến cùng.

PV: Cảm ơn Tiến sĩ rất nhiều. Chúc Tiến sĩ sẽ thành công hơn nữa trên con đường nghiên cứu khoa học!

Đại Dương (thực hiện)