Chú mèo hai mặt được sinh ra ở Mỹ

(Dân trí) - Cuối tuần trước, một chú mèo con có hai mặt đã được sinh ra và nhanh chóng chiếm được trái tim của cộng đồng mạng, chú mèo được đặt một cái tên dễ thương là Biscuits and Gravy (Bánh quy và Nước xốt).

Chú mèo hai mặt được sinh ra ở Mỹ - 1

Thật không may, chỉ ba ngày sau khi sinh, chú mèo nhỏ bé này đã qua đời do các biến chứng liên quan đến tình trạng bất thường của mình.

Chú mèo nhỏ được sinh ngày 20 tháng Năm cùng với một lứa gồm ba chú mèo con khác. Được gọi tên ngắn gọn là Bánh quy, nó nhỏ hơn đáng kể so với các anh chị em của mình, và có lẽ đặc điểm rõ ràng nhất là nó có các bộ phận trên khuôn mặt được nhân đôi – hai mồm, hai mũi, và bốn mắt – được chia thành hai phần trên mặt.

Chủ của chú mèo con này là gia đình nhà ông bà King ở Oregon, Mỹ, họ đã chia sẻ những bức ảnh về chú mèo con đặc biệt này trên Facebook và đã nhận được sự chú ý rộng rãi.

Những người chủ của chú mèo đã đăng trên Facebook vào ngày 23 tháng Năm: “Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể cho chú mèo con bé nhỏ này, và cậu bé thật sự là một chiến binh. Cảm ơn tất cả mọi người vì đã yêu mến nó, nó là một con mèo bé nhỏ may mắn”.

Chia sẻ với hãng tin CBS, gia đình King cho biết họ đã liên hệ với bác sĩ thú y và biết rằng họ không thể làm được gì nhiều về mặt y tế cho nó. Trong vài ngày đầu tiên, Bánh quy dường như cũng hoạt động và ăn uống tốt. Nhưng bất chấp sự lạc quan lúc đầu này, gia đình đã thông báo về sự ra đi của chú vào ngày 25 tháng Năm. “Chú mèo con được sinh ra với những điều không may mắn, nhưng khi sống được tận bốn ngày, chú đã đánh bại những sự không may đó”.

Chú mèo hai mặt được sinh ra ở Mỹ - 2
Bức ảnh được chụp khoảng một tiếng trước khi Bánh quy ra đi

Chú mèo con này được sinh ra với hai khuôn mặt, hay còn gọi là hội chứng sọ mặt trùng lặp, một dạng khuyết tật bẩm sinh, ở đó bào thai phát triển các bộ phận trên khuôn mặt trùng lặp nhau. Trong một số trường hợp đặc biệt hiếm gặp, cấu trúc não của chúng cũng được nhân đôi. Nguyên nhân chính xác của tình trạng này vẫn còn là vấn đề tranh luận giữa các nhà khoa học, nhưng nó được cho là xảy ra trong quá trình tạo phôi, do sự sản xuất quá mức của một loại protein cụ thể là SHH - đây là một loại tín hiệu hóa học cần thiết cho sự phát triển phôi thai.

Những con mèo mắc bệnh này đôi khi còn được gọi là mèo Janus – theo tên của một vị thần La Mã hai mặt là Janus. Tình trạng này cũng xảy ra cả ở người, nhưng cực kỳ hiếm gặp và mới chỉ có vài chục hồ sơ ghi nhận những trường hợp này.

Con người mắc phải tình trạng này thường chết non hoặc chết khi còn rất trẻ, trong khi cũng có trường hợp các loài động vật khác mắc phải tình trạng này mà vẫn sống rất lâu và vui vẻ. Kỷ lục về chú mèo Janus sống lâu nhất thuộc về Frank và Louie đã sống rất thọ và chết khi được 15 tuổi vào năm 2014.

Ngọc Anh 

Theo IFL Science

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm