"Choáng" trước số lượng thiên thạch đáp xuống Trái Đất mỗi năm

Minh Khôi

(Dân trí) - Mỗi năm, có tới hàng triệu mảnh đá lao xuống Trái Đất từ ngoài không gian, nhưng đa số đã bốc cháy trong bầu khí quyển và không để lại bất kỳ tổn hại nào.

Choáng trước số lượng thiên thạch đáp xuống Trái Đất mỗi năm - 1

Hố thiên thạch Barringer Crater tại Arizona, Mỹ (Ảnh: Getty Images).

Lịch sử hình thành của Trái Đất từng ghi nhận có rất nhiều thiên thạch và tiểu hành tinh lao xuống bề mặt. Tác động từ tiểu hành tinh cũng được cho là nguyên nhân đã làm "bốc hơi" 75% sự sống trên Trái Đất cách đây 66 triệu năm, và là nguyên nhân gián tiếp khiến loài khủng long tuyệt chủng.

Theo các nhà nghiên cứu, mỗi năm vẫn có hàng triệu mảnh đá từ ngoài không gian lao về phía Trái Đất. Điều may mắn là hầu hết trong số chúng đều rất nhỏ, và kết thúc hành trình bằng cách bốc cháy khi vượt qua bầu khí quyển của Trái Đất.

Sở dĩ xảy ra điều này là bởi nguồn gốc của những các thiên thạch được phát hiện trên Trái Đất hầu như đến từ các trận mưa sao băng kết hợp với bụi phát ra từ sao chổi.

Nhiều minh chứng chỉ ra rằng các thiên thạch như vậy thường quá mỏng manh để tồn tại sau khi rơi xuống Trái Đất. Dẫu vậy, số lượng của chúng là rất lớn.

Choáng trước số lượng thiên thạch đáp xuống Trái Đất mỗi năm - 2

Trái Đất có thể chịu tác động lớn từ một trong số các thiên thạch lao xuống bề mặt (Ảnh minh họa).

Để ước tính chính xác số lượng thiên thạch va vào Trái Đất thành công mỗi năm, nhà thiên văn học Gonzalo Tancredi đến từ Đại học Cộng hòa ở Montevideo, Uruguay đã tiến hành phân tích dữ liệu từ Hiệp hội Thiên thạch.

Theo đó, từ năm 2007 đến 2018, có 95 báo cáo về thiên thạch đáp xuống Trái Đất, với tỷ lệ trung bình khoảng 7,9 báo cáo mỗi năm. Tuy nhiên, đây chỉ là ghi nhận ở những vùng có dân cư sinh sống.

"Chỉ có 29% bề mặt Trái Đất được bao phủ bởi đất đá. Trong đó, khu vực đông dân cư chỉ chiếm 0,44% trên tổng diện tích đất", Tancredi phân tích.

Như vậy, tổng số thiên thạch lao xuống Trái Đất trên thực tế có thể được tính bằng cách chia cho tỷ lệ phần trăm. Cụ thể theo một số liệu của Tancredi, ông cho rằng có khoảng 6.100 vụ thiên thạch rơi mỗi năm trên toàn bộ Trái Đất và khoảng 1.800 vụ xảy ra trên đất liền.

Tancredi cũng lưu ý rằng các tảng đá không gian rộng khoảng trên 10 mét sẽ đi vào bầu khí quyển của Trái Đất cứ sau từ 6 đến 10 năm. Trong khi đó, một tảng đá đủ lớn để tạo ra cơn địa chấn như sự kiện Tunguska diễn ra năm 1908 ở Nga xảy ra sau mỗi 500 năm.

Chưa dừng lại ở đó, Trái Đất cũng đối mặt nguy cơ bị công kích bởi những tảng đá rộng khoảng 1 km sau mỗi từ 300.000 đến 500.000 năm. Một trong số những sự kiện này đã chấm dứt kỷ Phấn Trắng cách đây khoảng 66 triệu năm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm