Chó sói đang quay lại Đức vô tình nhờ… quân đội
(Dân trí) - Nhân loại luôn có một mối quan hệ “không thoải mái” với những con sói vì chúng gắn liền với những hình ảnh đáng sợ.
Trải qua hàng thiên niên kỷ, nỗi sợ hãi đó đã dẫn đến sự tàn phá của con người đối với quần thể sói trên khắp châu Âu, bao gồm cả Đức vào thế kỷ XIX.
Vào những năm 1960, số lượng chó sói ở châu Âu đã đạt mức thấp nhất mọi thời đại, và thậm chí đang tiến gần đến bờ vực tuyệt chủng.
Nhưng trong những năm gần đây, đáng ngạc nhiên là những con sói đã dần dần quay trở lại Đức. Đặc biệt hơn, sự trở lại này có sự tác động vô tình của… quân đội Đức.
Thực tế đã có một số yếu tố góp phần làm cho quần thể sói tăng 36% mỗi năm, bao gồm cả việc thực thi luật trong những năm 1980 và 1990 để bảo vệ động vật hoang dã, cùng với sự gia tăng chậm số lượng động vật hoang dã trên khắp châu Âu, dẫn đến nhiều thức ăn cho chó sói.
Ilka Reinhardt, một nhà sinh vật học, chuyên gia về sói của LUPUS, Viện nghiên cứu và giám sát sói của Đức, đã nhận thấy một điều kỳ lạ về loài săn mồi với bộ răng nanh sắc lẻm đang len lỏi vào rừng Đức.
Những con sói di chuyển vào các khu vực mới định cư lần đầu tiên trong các khu vực huấn luyện quân sự (MTA).
Chỉ có một lần những con sói ban đầu định cư vào những khu vực quân sự không có căn cứ, chúng lại di chuyển đến các vùng lãnh thổ xung quanh gần đó, bên ngoài khu vực quân sự. Nhưng nếu di chuyển một khoảng cách xa, chúng sẽ chọn gần một khu vực quân sự để thiết lập các lãnh thổ ban đầu.
Nó có vẻ như là một sự trùng hợp kỳ lạ, đặc biệt có lẽ vì các khu vực này được bảo vệ đặc biệt nên có sức hấp dẫn đối với động vật. Reinhardt và nhóm của cô bắt đầu điều tra và thấy rằng các khu vực huấn luyện quân sự có tỷ lệ sói bị giết bởi con người thấp hơn. Chính vì vậy, thậm chí sói còn xuất hiện nhiều hơn cả các khu vực được bảo vệ.
Bên cạnh đó, có ít nạn săn trộm trên đất quân sự và ít sói chết dưới tay những kẻ săn trộm trong khu vực quân sự so với các khu vực phi quân sự. Sự tương phản đó có thể là do cách các khu vực này được quản lý.
"Ở Đức, việc săn bắn được giám sát bởi chính quyền liên bang và được quản lý trên các khu vực rộng lớn, trong khi các khu vực được bảo vệ và các khu vực khác thường được chia thành các khu săn bắn tư nhân với kích thước tối thiểu nhỏ tới 75-150 ha. Điều này có thể dẫn đến tình huống bầy sói chia sẻ lãnh thổ của mình với hơn 100 thợ săn, do đó, làm cho các vùng lãnh thổ này dễ bị săn trộm hơn ngay cả khi hầu hết các thợ săn không săn trộm”, nhóm nghiên cứu báo cáo.
Theo dữ liệu mới nhất, có khoảng 73 bầy sói và 60 cặp sói mới xuất hiện ở Đức. Một sự gia tăng đáng kinh ngạc kể từ năm 2001, khi lứa chó con đầu tiên được phát hiện kể từ thế kỷ XIX.
Guillaume Chapron, nhà nghiên cứu động vật hoang dã tại Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển tại Uppsala, nói: "Điều thực sự đáng chú ý là các khu vực quân sự đóng vai trò là bước đệm quan trọng cho sự tái tổ hợp. Nó cho thấy rằng khi bạn bảo vệ nghiêm ngặt động vật hoang dã, nó sẽ quay trở lại”.
Khôi Nguyên (Theo Science Alert)