Chợ ảo tấp nập buôn bán rùa cảnh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh

Nam Đoàn

(Dân trí) - Trên thị trường "chợ đen 4.0", có hàng trăm trang mạng xã hội về buôn bán rùa, đa số là những loài ngoại lai, nhập lậu phục vụ thú vui nuôi làm cảnh từ người dùng, điều này tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Chợ ảo tấp nập buôn bán rùa cảnh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh - 1

Rao bán rùa trên các trang mạng xã hội (ảnh chụp màn hình).

Đặc biệt, khoảng thời gian đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động giao thương. Các đối tượng buôn bán rùa đã xoay hướng phát triển các chợ buôn bán trên nhiều mạng xã hội để giới thiệu và giao dịch loài động vật này.

Nở rộ buôn bán rùa trên mạng xã hội

Anh Hoàng Văn Hà, Điều phối viên chương trình Rùa châu Á cho biết, khảo sát trên mạng xã hội Facebook, số lượng các trang, nhóm về buôn bán rùa được lập mới trong năm 2021 - 2022 gần bằng tổng số lượng trang được thành lập từ năm 2013 đến năm 2020.

Theo đó, có khoảng 143 trang và 240 nhóm trên mạng xã hội Facebook liên quan tới hoạt động nuôi và buôn bán rùa. 

Để có thể thu hút người dùng mạng xã hội mua loài vật này, các đối tượng buôn bán đã lập những kênh phụ trợ trên Youtube nhằm quay những video giới thiệu về những loài rùa cảnh, rùa lai, hướng dẫn chăm sóc hay phát hiện những dấu hiệu của việc rùa đang bị nhiễm bệnh. 

Có những kênh Youtube đính kèm thêm những đường link để dẫn dắt người dùng tham gia các hội nhóm buôn bán rùa này.

Chợ ảo tấp nập buôn bán rùa cảnh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh - 2
3 con rùa sa nhân, một trong những loài trong diện nguy cấp, quý hiếm được rao bán trong một nhóm chat trên mạng xã hội.

Đáng chú ý, trong số những loại đang được buôn bán mạnh mẽ, có những loài nằm trong diện nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định 84/2021/ND-CP, như rùa sa nhân.

Khảo sát của phóng viên Dân trí, trên mạng xã hội tình trạng buôn bán rùa diễn ra rất phổ biến, sôi nổi. Bên cạnh các trang nhóm buôn bán rùa, những đối tượng buôn bán còn lập hội nhóm chat riêng tư, lên đến gần 1.500 thành viên để giới thiệu và giao dịch loài vật này.

Chợ ảo tấp nập buôn bán rùa cảnh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh - 3
Đoạn tin nhắn mua bán rùa với một chủ shop tại Hà Nội (Ảnh chụp màn hình).

Trong vai một khách hàng muốn mua rùa làm cảnh, phóng viên đã liên hệ với một chủ shop rùa tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) người này đã giới thiệu rất nhiều loài rùa với đầy đủ giá thành từ vài trăm nghìn đồng lên đến cả triệu đồng kèm theo cam kết đã "full" thuốc phòng bệnh.

Đặc biệt, người mua chỉ có thể lựa chọn trước rùa qua trao đổi online, sau đó sẽ được người bán sẽ hẹn một địa điểm để giao dịch, tuyệt đối không cho đến shop, do lo ngại phía cơ quan công an.

Đối với những trường hợp ở xa, hàng sẽ được chủ shop vận chuyển qua xe khách với điều kiện người mua phải chuyển khoản tiền mua trước.

Vị chủ shop rùa tại quận Hoàng Mai cũng tiết lộ, đây đều là những loài rùa nhập lậu, trốn thuế và đa số những loài rùa này có nguồn gốc từ Bắc Mỹ.

Không khó để nhận ra điểm chung của các nhóm trang buôn bán rùa đều ẩn địa chỉ cụ thể cửa hàng, người dùng chỉ có các liên hệ qua số điện thoại hoặc Zalo. 

Chợ ảo tấp nập buôn bán rùa cảnh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh - 4
Con rùa flo này có giá lên tới 2,1 triệu đồng được giao bán trong một nhóm chat riêng tư về mua bán rùa.

Bên cạnh đó, nhằm tránh sự kiểm duyệt của Facebook về buôn bán động vật hoang dã, các đối tượng buôn bán đã sử dụng những biểu tượng như hình ảnh tượng trưng như con rùa hay cây lúa nhằm thay thế cho con vật và giá tiền.

Tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh 

Theo anh Hoàng Văn Hà, đã có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các vi khuẩn cư trú trong khoang miệng và ký sinh trên cơ thể rùa có thể lây truyền, gây bệnh, và thậm chí dẫn tới tử vong cho người nuôi chúng, đặc biệt là các loài rùa từ Bắc Mỹ. Trong đó, có loài rùa tai đỏ được buôn bán phổ biến ở Việt Nam.

Chợ ảo tấp nập buôn bán rùa cảnh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh - 5
Anh Hoàng Văn Hà, điều phối viên Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (Ảnh: Đoàn Trung Nam).

Trong số này, bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella, chủng vi khuẩn có nguồn gốc từ rùa là phổ biến nhất và được nghiên cứu kỹ. Theo đó, bệnh nhiễm khuẩn Salmonella do vi khuẩn Salmonella gây ra ở ruột và có thể lây lan vào máu đến các cơ quan khác trong cơ thể. 

Các nhà khoa học ước tính rằng, khoảng 90% các cá thể bò sát đều mang vi khuẩn Salmonella trong phân của chúng. 

Vi khuẩn này lây lan theo đường tiêu hóa từ phân của rùa có thể nhiễm khuẩn theo thức ăn qua tiếp xúc với tay hoặc đồ vật có dính vi khuẩn, sau đó xâm nhập sang người. 

Vi khuẩn cũng có thể nhiễm từ người sang người nếu tiếp xúc mà không rửa tay sạch. Rùa thường mang vi khuẩn Salmonella trên da và mai của chúng. Trẻ nhỏ, vốn có xu hướng đưa tay vào miệng, là các đối tượng dễ bị nhiễm vi khuẩn trong các hộ gia đình nuôi rùa. 

Ngoài ra việc vệ sinh rùa hoặc chuồng nuôi, dụng cụ nuôi rùa trong các bồn rửa ở nhà bếp cũng có thể làm lây nhiễm chéo vào thực phẩm hoặc dụng cụ ăn uống. 

Chợ ảo tấp nập buôn bán rùa cảnh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh - 6
Rùa Cooter (Pseudemys peninsularis) là một trong những loài rùa Bắc Mỹ, được nhiều người nuôi làm cảnh.

Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, trên thực tế chưa có một phương pháp phòng tránh đáng tin cậy nào có thể đảm bảo rằng một con rùa không bị nhiễm khuẩn Salmonella. 

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn này. Đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi, và những người có sức đề kháng tự nhiên thấp hơn đối với nhiễm trùng do mang thai, ung thư, HIV/AIDS, tiểu đường và các bệnh khác.

CDC Hoa Kỳ ước tính vi khuẩn Salmonella gây bệnh cho khoảng 1,35 triệu người với 26,500 người nhập viện và 420 người tử vong hàng năm ở nước này.

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Chương trình bảo tồn Rùa châu Á (ATP) vào năm 2021 cho biết, đa số các loài rùa đang buôn bán mạnh mẽ trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay đều nhập lậu từ Bắc Mỹ và một phần Nam Mỹ. 

Cùng với đó, do Việt Nam và Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát đường biên nên tình trạng nhập rùa từ quốc gia này đã giảm, song các đối tượng buôn bán rùa đã tìm được những đầu mối khác như từ Bangkok, Thái Lan - nơi có rất nhiều cửa hàng buôn bán rùa và thị trường rùa ở đây tương đối phát triển.

Gây mất cân bằng sinh thái

Việc nhập những loài rùa ngoại lai từ nước ngoài về còn tiềm ẩn một nguy cơ khác gây nên sự suy giảm các quần thể động vật hoang dã, mất cân bằng sinh thái tại nước ta.

Anh Hoàng Văn Hà chia sẻ: "Việc nhập lậu rùa, đặc biệt là từ Bắc Mỹ bên cạnh việc gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nó còn đe dọa đến các quần thể động vật hoang dã tại Việt Nam".

"Có hai mầm bệnh được gây nên bởi vi khuẩn mycoplasma và virus herpes được ghi nhận rất phổ biến trên loài rùa ở Bắc Mỹ. Nếu nó phát tán ra các quần thể động vật hoang dã tại Việt Nam, chủ yếu là các loài bò sát gây nguy cơ làm suy giảm số lượng chúng trong tự nhiên", anh Hà cho biết thêm.

Chợ ảo tấp nập buôn bán rùa cảnh, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh - 7
Rùa tai đỏ là một trong 100 loài nguy hiểm nhất thế giới, được rao bán trên nhiều hội nhóm, trang mạng xã hội.

Rùa tai đỏ nằm trong Danh mục loài ngoại lai xâm hại quy định tại Thông tư 35/2018/TT-BTNMT do Bộ Tài Nguyên và Môi trường ban hành năm 2018.

Đây cũng là loài động vật được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt kê vào danh sách 206 loài xâm hại toàn cầu và 100 loài nguy hiểm nhất thế giới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm