1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Chim cánh cụt đánh nhau tóe máu sau khi phát hiện vợ “ngoại tình”

(Dân trí) - Chim cánh cụt được biết như một loài chim hiền lành và dễ mến, tuy nhiên khi bị kích động, chim cánh cụt lại có thể chiếm đấu một cách quyết liệt, đặc biệt khi chúng phát hiện thấy bạn đời của mình “ngoại tình”.

Đoạn clip được kênh truyền hình về khoa học National Geographic ghi lại được, cho thấy một con chim cánh cụt khi trở về hang của mình đã bất ngờ thấy bạn đời đang ở chung với một con chim cánh cụt đực khác.

Một cuộc chiến quyết liệu giữa hai con đực đã nhanh chóng diễn ra để quyết định ai là kẻ mạnh và có quyền sống chung với con cái.

Chim cánh cụt đực đổ máu khi phát hiện bạn tình đi theo một con đực khác
Chim cánh cụt đực đổ máu khi phát hiện bạn tình đi theo một con đực khác

Không giống những loài chim khác thường có xương rỗng ở đôi cánh, chim cánh cụt lại có xương đặc ở đôi cánh của mình, cho phép chúng sử dụng đôi cánh như một thứ vũ khí hiệu quả, có thể tát đối thù với tốc độ lên đến 8 lần mỗi giây.

Phần mỏ của chim cánh cụt, thường được sử dụng để đào và chui vào lòng đất, cũng được sử dụng như một thứ vũ khí mạnh mẽ.

Trong đoạn clip do National Geographic ghi lại được cho thấy hai chim cánh cụt đực đã sử dụng hiệu quả cả đôi cánh lẫn mỏ của mình khi liên tục sử dụng cạnh quật vào mặt nhau, trong khi mỏ dùng để mổ vào mắt của đối phương.

Cả hai chim cánh cụt đực đều bị thương, máu tóe ra từ cả hai, tuy nhiên lớp mỡ dày giúp bảo vệ các cơ quan quan trọng trên cơ thể chim cánh cụt nên chúng không bị thương quá nghiêm trọng.

Trận đấu cân tài cân sức dường như kết thúc trong bế tắc và cuối cùng hai cánh cụt đực nhường quyền lựa chọn cho con cái. Tuy nhiên ngay khi cánh cụt cái lựa chọn người bạn tình mới, bạn tình cũ dường như không cam chịu nên lại một lần lao vào tấn công cánh cụt đực còn lại.

Cuộc chiến thậm chí còn khốc liệt hơn trước, máu đổ ra nhiều hơn. Tuy nhiên, khi nhận thấy rằng nỗ lực của mình vẫn không đủ để giúp kéo lại cánh cụt cái, bạn tình ban đầu của con cái đã chấp nhận bỏ đi để lại đôi tình nhân mới hạnh phúc bên nhau.

Chim cánh cụt nổi tiếng là loài động vật với sự trung thành trong tình yêu. Trung bình 72% các cặp đôi chim cánh cụt quay trở lại giao phối với nhau sau mỗi mùa giao phối, thường diễn ra vào cuối tháng 10 hàng năm.

Chim cánh cụt “ly dị” khi cánh cụt cái lựa chọn một bạn đời khác, nhưng tỷ lệ này xảy ra khá ít, thường bởi nguyên do cánh cụt đực bị chết vì một lý do nào đó. Tỷ lệ “ly dị” trong các cặp đôi chim cánh cụt khoảng 26%.

Các nhà khoa học cho biết quá trình giao phối và kết bạn tình trong thế giới chim cánh cụt là một xã hội phức tạp và thường kết thúc bằng những trận chiến đổ máu nếu có xảy ra tranh giành bạn tình.

T.Thủy
Tổng hợp