1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Chiến tranh hạt nhân sẽ gây ra nạn đói toàn cầu, hàng tỉ người chết

Nam Đoàn

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới cho thấy, nếu xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân giữa các quốc gia thì hàng tỷ người trên thế giới sẽ chết đói, đồng thời gây biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chiến tranh hạt nhân sẽ gây ra nạn đói toàn cầu, hàng tỉ người chết - 1
Hình ảnh minh họa một vụ nổ bom hạt nhân khi chiến tranh nổ ra (Ảnh: Science).

Biến đổi khí hậu toàn cầu

Trong khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gần đây đã làm gián đoạn nguồn cung cấp lương thực của thế giới bao gồm cả việc dự trữ dầu, hướng dương hay lúa mì, một nghiên cứu mới cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu xảy ra có thể gây ra nạn đói trên toàn thế giới. 

Nó sẽ phá vỡ khí hậu toàn cầu đến mức hàng tỷ người có thể chết đói. Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù các tác động chính xác vẫn chưa chắc chắn, nhưng những phát hiện này nhấn mạnh sự nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân và cung cấp những hiểu biết quan trọng về cách chuẩn bị cho các thảm họa toàn cầu khác.

Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã quan tâm đến hậu quả của một cuộc xung đột như vậy ở quy mô lớn hơn, họ đã mô hình hóa một số kịch bản chiến tranh hạt nhân để quan sát tác động của chúng đối với khí hậu và sản xuất lương thực.

Seth Baum, Giám đốc điều hành của Viện Rủi ro Thảm họa Toàn cầu cho biết, nghiên cứu được đưa ra khi cuộc xung đột Ukraine - Nga đã đưa thế giới vào "một trong ba khoảng thời gian đáng lo ngại nhất" về mối đe dọa chiến tranh hạt nhân. 

"Đó là một lời nhắc nhở liên tục rằng chiến tranh hạt nhân thực sự khủng khiếp", ông nhấn mạnh.

Từ lâu, các nhà khoa học đã biết những vụ nổ lớn có thể ném đủ bụi, tro và bồ hóng (carbon không tinh khiết) vào không khí sẽ gây ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. 

Vào năm 1815, núi lửa Tambora ở Indonesia đã gây ra vụ phun trào lớn nhất (được biết đến) trong lịch sử. Trong những tháng tiếp theo, tro bụi của nó bốc lên và lan rộng ra toàn thế giới, chặn đủ ánh sáng Mặt Trời đến mức tạo ra "năm không có mùa hè" cùng với một đợt lạnh năm 1816 dẫn đến mất mùa và đói kém trên toàn cầu.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cảnh báo một thảm họa tương tự có thể xảy ra sau một cuộc chiến tranh hạt nhân, vì đám cháy do hàng trăm hoặc hàng nghìn vụ nổ hạt nhân gây ra sẽ giải phóng hàng triệu tấn bồ hóng, chặn ánh sáng Mặt Trời và gây ra các tác động môi trường. 

Những lo lắng về ảnh hưởng khí hậu của chiến tranh hạt nhân đã xuất hiện ngay sau Thế chiến II, và các nghiên cứu đã được thực hiện trong Chiến tranh Lạnh.

Trong thập kỷ qua, hai nhà tiên phong nghiên cứu về "mùa đông hạt nhân", Alan Robock và Brian Toon, đã tập hợp một nhóm các nhà khoa học đa ngành để thực hiện các tính toán xa hơn. 

Họ đã chuyển sang các mô hình khí hậu tương tự làm cơ sở cho các nghiên cứu về sự nóng lên toàn cầu.

Jonas Jägermeyr, một nhà khoa học về biến đổi khí hậu và thành viên nhóm tại NASA và Đại học Columbia, cho biết: "Giờ đây, chúng tôi có khả năng tính toán để mô phỏng những thứ này một cách tinh vi".

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Food, nhóm đã cố gắng xác định tác động tiềm tàng của chiến tranh hạt nhân đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu bằng cách kết hợp các mô hình khí hậu với mô phỏng sản xuất lương thực trên thế giới.

Một phân tích trước đó, do Jägermeyr dẫn đầu vào năm 2020, cho thấy rằng ngay cả một cuộc chiến tranh hạt nhân nhỏ trong khu vực giữa Ấn Độ và Pakistan cũng có thể dẫn đến tình trạng thiếu cây trồng trên toàn cầu. 

Nghiên cứu mới bao gồm sáu kịch bản chiến tranh hạt nhân và kết hợp các mô hình thủy sản cũng như nông nghiệp để có được bức tranh toàn cảnh hơn về tác động của nó.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, các vụ nổ hạt nhân khác nhau sẽ bơm từ 5 triệu đến 150 triệu tấn bồ hóng vào bầu khí quyển. Họ mô phỏng những thay đổi kết quả của ánh sáng Mặt Trời, nhiệt độ và lượng mưa, sau đó họ cung cấp cho các mô hình trong lĩnh vực trồng trọt và thủy sản. 

Nạn đói sẽ kéo dài nhiều năm, 5 tỉ người chết đói

Bằng cách truy tìm mức giảm thu hoạch ngô, gạo, đậu tương, lúa mì và cá, nhóm nghiên cứu ước tính tổng lượng calo bị mất đi. Từ đó, họ tính toán xem có bao nhiêu người sẽ đói - giả sử thương mại lương thực quốc tế sẽ ngừng lại và các nguồn lực sẽ được phân phối tối ưu ở mỗi quốc gia.

Chiến tranh hạt nhân sẽ gây ra nạn đói toàn cầu, hàng tỉ người chết - 2
Bom hạt nhân được kích nổ trên đảo san hô Bikini trong một cuộc thử nghiệm của quân đội Mỹ vào năm 1954, đưa muội than vào bầu khí quyển (Ảnh: GETTY).

Các nhà nghiên cứu báo cáo, trong trường hợp kịch bản cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ, các đồng minh và Nga xảy ra, một vài năm sau lượng calo trung bình toàn cầu được sản xuất sẽ giảm khoảng 90% và 5 tỷ người chết vì nạn đói. 

Một cuộc chiến trong trường hợp xấu nhất giữa Ấn Độ và Pakistan có thể làm giảm sản xuất calo xuống 50% và gây ra 2 tỷ người chết. Nhóm nghiên cứu đã cố gắng mô phỏng tác động của các chiến lược khẩn cấp về tiết kiệm lương thực, chẳng hạn như chuyển đổi thức ăn chăn nuôi và rác thải sinh hoạt thành thực phẩm. 

Nhưng trong các kịch bản chiến tranh lớn hơn, những nỗ lực đó không giúp cứu được nhiều sinh mạng.

Baum kêu gọi thận trọng trong việc giải thích các ước tính. Mặc dù các mô hình khí hậu là "tuyệt vời", ông nói, có quá nhiều sự không chắc chắn về cách nhân loại sẽ phản ứng với một thảm họa toàn cầu như vậy để có được con số chính xác về số người chết. 

Những nghiên cứu chống lại thảm họa đói trong giả định

Tuy nhiên, nghiên cứu "đóng góp rất xứng đáng" vào việc hình dung những viễn cảnh này.

Điều này đã truyền cảm hứng cho nhiều chuyên gia tìm cách chống lại nạn đói giả định. 

David Denkenberger, người đồng sáng lập Liên minh phi lợi nhuận để cung cấp thức ăn cho Trái Đất trong thảm họa, đang khám phá các ý tưởng bao gồm mở rộng quy mô "thực phẩm có khả năng phục hồi" như rong biển, chuyển đổi cơ cấu nhà máy giấy để sản xuất đường, chuyển đổi khí tự nhiên thành protein bằng vi khuẩn và chuyển cây trồng thích nghi khi khí hậu bị thay đổi. 

Ông và cộng sự nghiên cứu của mình là Morgan Rivers nghĩ rằng, những cách tiếp cận đó có thể làm tăng đáng kể lượng thức ăn sẵn có cho con người. Ông nói: "Ngay cả khi một loại thực phẩm thay thế không ngon bằng ngô ngọt, thì vẫn tốt hơn là bỏ đói".

Những suy nghĩ như vậy cũng có thể giúp nhân loại chuẩn bị cho những tác động của biến đổi khí hậu và các thảm họa khác. 

Ông cho biết thêm: "Đó không chỉ là mùa đông hạt nhân; khả năng phục hồi giúp chúng ta đối phó với rất nhiều thảm họa khác… chẳng hạn như một vụ phun trào siêu núi lửa".

Tuy nhiên, bài học rõ ràng cho tất cả các nhà khoa học là chiến tranh hạt nhân nên được tránh bằng mọi giá, Rivers nói. "Phân tích của họ đang cho thấy một điều gì đó thực sự quan trọng cần truyền tải: mùa đông hạt nhân đó thực sự, thực sự tồi tệ."

Theo www.science.org