1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Chiếc máy bay mất tích MH370: Liệu còn có thể tìm thấy?

Phạm Hường

(Dân trí) - Đã 10 năm kể từ khi chiếc máy bay chở khách MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất tích. Cho đến hôm nay, nó vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử hàng không thế giới.

Bức ảnh này của chiếc MH370 được chụp vào tháng 12/2011. (Ảnh: Laurent ERRERA).

Bức ảnh này của chiếc MH370 được chụp vào tháng 12/2011. (Ảnh: Laurent ERRERA).

Thật khó tin rằng một chiếc Boeing 777-200ER cùng với 239 người lại biến mất một cách đơn giản mà không thể giải thích. Nhiều cuộc tìm kiếm công phu đã được tiến hành nhưng không hề có một dấu vết nào của hành khách trên chiếc máy bay được tìm thấy suốt thập kỷ qua.

Tại sự kiện tưởng nhớ đầu tuần này, Bộ trưởng Giao thông Malaysia đã thông báo về một cuộc tìm kiếm mới. Nếu được chính phủ nước này chấp thuận, cuộc tìm kiếm sẽ do công ty thám hiểm đáy biển Ocean Infinity của Mỹ thực hiện.

Điều gì đã xảy ra với MH370?

Hành trình dự kiến của chiếc máy bay là từ Kuala Lumpur, Malaysia, đến Bắc Kinh, Trung Quốc. Kiểm soát không lưu mất liên lạc với chiếc máy bay này trong vòng 60 phút sau khi nó bay vào vùng trời trên biển Đông. Sau đó, radar quân sự định vị được MH370 lần cuối cùng trên biển Andama ở phía đông bắc Ấn Độ Dương.

Sau đó, liên lạc vệ tinh tự động giữa máy bay và vệ tinh viễn thông Inmarsat của Anh cho thấy chiếc máy bay đã đến đông nam Ấn Độ Dương. Thông tin này là cơ sở để Cục An toàn Vận tải Hàng không Australia xác định các khu vực tìm kiếm ban đầu.

Cho đến nay, chúng ta vẫn không biết nguyên nhân khiến chiếc máy bay đổi hướng và biến mất.

Chiếc máy bay mất tích MH370: Liệu còn có thể tìm thấy? - 2
Đường bay cuối cùng xác định được của chiếc MH370 là dữ liệu để Trường đại học Tây Australia giả lập địa điểm tìm thấy mảnh vỡ của nó. (Ảnh: Google Earth).

Những cuộc tìm kiếm đã tìm thấy gì?

Ngày 18/3/2014, mười ngày sau khi MH370 biến mất, một cuộc tìm kiếm bằng máy bay trên vùng biển phía nam Ấn Độ Dương do Australia dẫn đầu cùng với một số nước khác đã được tiến hành. Cuộc tìm kiếm kéo dài đến ngày 28/4 và trải rộng trên diện tích 4.500.000 km2 nhưng không hề tìm thấy một mảnh vỡ nào.

Hai cuộc tìm kiếm trên Ấn Độ Dương cách bờ biển Tây Australia 2.800 km cũng không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy chiếc máy bay đã rơi xuống biển.

Một cuộc tìm kiếm dưới đáy biển cũng do Australia dẫn đầu, trên diện tích 120.000 km2 và kéo dài 50 hải lý trong 1.046 ngày đã dừng lại vào ngày 17/1/2017 trong vô vọng.

Cuộc tìm kiếm dưới đáy biển lần thứ hai do công ty Ocean Infinity của Mỹ tiến hành vào năm 2018 đã rà soát diện tích 112.000 km2 trong hơn 3 tháng nhưng cũng không thể xác định được gì hơn.

Những hiện vật bằng chứng nào đã được tìm thấy?

Mặc dù địa điểm chính thức của vụ tai nạn vẫn chưa được xác định nhưng một số mảnh vỡ đã trôi dạt trong nhiều năm kể từ chuyến bay mất tích. Trên thực tế, vào tháng 6/2015, Cục An toàn Vận tải hàng không Australia cho rằng các mảnh vỡ có thể dạt đến Sumatra, ngược với các dòng hải lưu trong khu vực.

Dòng hải lưu mạnh nhất ở Ấn Độ Dương là dòng Hải lưu Nam Xích đạo. Nó chảy từ đông sang tây giữa bắc Australia và Madagascar, khiến các mảnh vỡ có thể đi ngang qua nó.

Đúng như vậy, vào ngày 30/7/2015, một mảnh vỡ lớn là cánh phụ đã dạt vào đảo Reunion ở tây Ấn Độ Dương. Sau đó, nó được xác nhận là của MH370.

Đầu năm 2023, nhóm chuyên gia ở Trường đại học Tây Australia (UWA) đã sử dụng mô hình trôi dạt hải dương học để dự đoán rằng bất kỳ mảnh vỡ nào có nguồn gốc từ vị trí cuối cùng biết được của chiếc máy bay đều sẽ trôi đến phía tây Ấn Độ Dương.

Kể từ đó đến nay, đã có thêm mảnh vỡ máy bay được tìm thấy ở tây Ấn Độ Dương, cụ thể là ở Mauritius, Tanzania, Rodgrigues, Madagascar, Mozambique và Nam Phi.

Phân tích của UWA đã dự đoán chính xác. Kết quả này cũng giúp nhà thám hiểm người Mỹ Blaine Gibson và những người khác trục vớt hàng chục mảnh vỡ, ba trong số đó đã được xác nhận là của MH370.

Chiếc máy bay mất tích MH370: Liệu còn có thể tìm thấy? - 3
Các vị trí mảnh vỡ rơi xuống theo dự đoán của Trường đại học Tây Australia. Các chấm trắng là vị trí các mảnh vỡ rơi xuống. Cụm có nhiều chấm trắng, nhất là ở gần đất liền, là dấu hiệu cho thấy mật độ/xác suất mảnh vỡ rơi xuống nhiều hơn và những khu vực này được khoanh màu đỏ. (Ảnh: Charitha Pattiaratchi/UWA).

Cho đến nay, những mảnh vỡ tìm thấy ở tây Ấn Độ Dương là bằng chứng duy nhất liên quan đến MH370.

Các nhà nghiên cứu độc lập trên thế giới cũng đã đánh giá và có cùng kết luận về điểm cuối cùng mà các mảnh vỡ sẽ dạt đến sau khi rơi xuống biển.

Vì sao bây giờ lại có một cuộc tìm kiếm nữa?

Thật không may, đại dương là một nơi đầy biến động và ngay cả các mô hình trôi dạt hải dương học cũng không thể xác định chính xác địa điểm của vụ tai nạn.

Cuộc tìm kiếm sắp tới được Ocean Infinity đề xuất là thu hẹp đáng kể khu vực tìm kiếm trong phạm vi vĩ độ 360N và 330S, tức là khoảng 50 km về phía nam của các địa điểm mà mô hình UWA chỉ ra. Nếu không tìm thấy mảnh vỡ, họ sẽ mở rộng phạm vi về phía Bắc.

Kể từ những cuộc tìm kiếm đầu tiên dưới nước, công nghệ đã được cải tiến rất nhiều. Ocean Infinity đang sử dụng một đội phương tiện tự hành dưới nước rất hiện đại. Việc tìm kiếm cũng sẽ sử dụng các tàu mặt nước được điều khiển từ xa.

Tại khu vực tìm kiếm, đáy biển nằm ở độ sâu khoảng 4.000 mét, nhiệt độ nước là 1 độ đến 2 độ C, dòng chảy yếu. Điều đó có nghĩa là kể cả sau 10 năm, bãi mảnh vỡ vẫn còn khá nguyên vẹn.

Vì vậy, khả năng cao là có thể tìm thấy các mảnh vỡ. Nếu thành công, cuộc tìm kiếm này sẽ mang lại sự kết thúc không chỉ cho gia đình những người thiệt mạng mà còn cho hàng nghìn người đã tham gia vào nỗ lực tìm kiếm suốt nhiều năm qua.

Theo ScienceAlert