Chiếc mặt nạ của người chết - bằng chứng của cuộc chiến thành Tơ-roa?

Phạm Hường

(Dân trí) - Cuộc chiến thành Tơ-roa với sự tích "con ngựa thành Tơ-roa" và chiến công của chàng A-xin tuy nổi tiếng nhưng nó có thực hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Chiếc mặt nạ của người chết - bằng chứng của cuộc chiến thành Tơ-roa? - 1
Chiếc mặt nạ bằng vàng này từng được cho là của vị vua Agamemnon trong truyền thuyết (Ảnh: Photo 12/Getty Images).

Nhà khảo cổ học phát hiện ra chiếc mặt nạ này tin rằng nó là bằng chứng cho thấy cuộc chiến thành Tơ-roa (Troia) là có thật.

Nó được đặt tên là "mặt nạ của Agamemnon", làm bằng vàng và khắc hình khuôn mặt một người đàn ông, chế tác vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên, được tìm thấy ở Mycenae, một địa điểm khảo cổ ở miền nam Hy Lạp.

Trong một cuộc khai quật di chỉ Thời đại đồ đồng vào năm 1876, nhà khảo cổ học người Đức Heinrich Schliemann đã tìm thấy chiếc mặt nạ này trong một ngôi mộ ở Mycenae. Ông tin rằng xác người nằm dưới mộ chính là vị vua huyền thoại Agamemnon, người đã chỉ huy cuộc vây hãm thành Tơ-roa của người Hy Lạp trong trường ca "Iliad" của Homer.

Vị vua này cũng được nhắc đến trong vở kịch "Odyssey" của Homer và một số vở kịch Hy Lạp cổ đại. Theo Homer, vua Agamemnon cai trị thành Mycenae và hiện vật được tìm thấy được đặt tên là "chiếc mặt nạ của Agamemnon".

Tuy nhiên, phong cách nghệ thuật của hiện vật này và các nghiên cứu khác về địa điểm khảo cổ trên bán đảo Peloponnese cho thấy nó được làm vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên, tức là hàng trăm năm trước khi Agamemnon được cho là có thể đã sống - và một số học giả cho rằng nó còn được chế tác sớm hơn thế.

Chiếc mặt nạ được làm từ một lá vàng mỏng và theo khuôn mặt lúc còn sống của một người đã khuất. Nó được tìm thấy trong ngôi mộ hoàng gia có 8 bộ hài cốt. Tất cả đều có vũ khí bên mình, nhưng chỉ có năm người đeo mặt nạ bằng vàng, đây có thể là dấu hiệu cho thấy những người này có địa vị cao hơn.

Người Mycenae sống ở Thời kỳ đồ đồng khắp miền nam Hy Lạp khoảng từ năm 1750 trước Công nguyên trở đi. Ngôn ngữ của họ là một dạng tiếng Hy Lạp sơ khai và nền văn minh của họ chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền văn minh Minoan ở Crete.

Schliemann cho rằng người Mycenae chính là người Achae trong trường ca "Iliad" và những bộ hài cốt được khai quật cho thấy hiện thực lịch sử của cuộc chiến thành Tơ-roa.

Mặc dù một số địa điểm ở Mycenae tương ứng với các vương quốc Achae trong "Iliad" nhưng các nhà khảo cổ học ngày nay cho rằng nền văn minh Mycenae đã kết thúc khoảng năm 1200 trước Công nguyên, vào giai đoạn Thời kỳ đồ đồng muộn sụp đổ. Trong khi đó, cuộc chiến thành Tơ-roa nếu có thực thì cũng xảy ra hàng trăm năm sau đó.

Vậy là cho dù người Hy Lạp xưa kia từng tin rằng "Iliad" là bản tường thuật của một giai đoạn lịch sử có thật, nhưng ngày nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa đồng thuận về việc các sự tích của thành Tơ-roa có thật hay không và tác phẩm của Homer phản ánh thực tế lịch sử ở mức độ nào.

Theo www.livescience.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm