1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Chất thải kỳ dị của côn trùng, không ngờ là gia tài

Minh Khôi

(Dân trí) - Thứ tưởng như chất thải này từng một thời là sản vật quý giá, được các nhà buôn phương Tây săn lùng.

Chất thải kỳ dị của côn trùng, không ngờ là gia tài - 1

Cánh kiến đỏ - một tạp chất có dạng nhựa màu đỏ, do bọ cánh kiến đỏ tiết ra, thường bám lại trên cây tạo ra hình dạng kỳ dị.

Bọ là giống loài luôn bị ghét do đa số gây hại cho cây trồng, cũng như điều kiện sống của con người. Tuy nhiên, một số loài bọ lại được người ta "săn lùng" do sản sinh ra những vật chất quý hiếm, có giá trị sử dụng cao.

Một trong số đó là loài bọ cánh kiến đỏ (tên khoa học: Kerria lacca). Nó là một loài rệp sáp thuộc họ Kerriidae, sống ký sinh trên một số loài cây gỗ trong rừng rậm ở Ấn Độ và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Chúng là nguồn gốc của cánh kiến đỏ - tạp chất có dạng nhựa màu đỏ, do bọ cánh kiến đỏ tiết ra trên thân cây trong quá trình sinh trưởng và phát triển.

Sản vật này có thể được thu hoạch để điều chế sơn cánh kiến - vốn được dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và được người xưa quý "như vàng".

Lý do là bởi sơn cánh kiến sau khi điều chế quét lên bề mặt đồ gỗ sẽ tạo bề mặt bóng bẩy, màu sắc tươi tắn, hấp dẫn. Đây cũng là công dụng phổ biến nhất của loại sản vật này.

Chất thải kỳ dị của côn trùng, không ngờ là gia tài - 2

Bọ cánh kiến đỏ (tên khoa học: Kerria lacca).

Hữu dụng là vậy, nhưng do sản lượng khai thác cực kỳ thấp, đã khiến sơn cánh kiến có giá trị cao.

Thời phong kiến, nó được sử dụng như cống phẩm thượng hạng giữa quốc gia trong khu vực và được các nhà buôn phương Tây săn lùng.

Ngoài ra, sơn cánh kiến còn được dùng làm thuốc nhuộm, hoặc dùng thuốc chữa bệnh.

Lịch sử ghi nhận Việt Nam từng là một trong những quốc gia rất mạnh về sản xuất sơn cánh kiến. Trong những năm 1970-1980, người dân huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã tận dụng các cánh rừng cọ phèn để xuất cánh kiến đỏ với sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm, xuất khẩu ra nhiều nước Đông Âu.

Thời ấy, những gia đình có tổ bọ cánh kiến đỏ trong vườn giống được ví như sở hữu một gia tài. Thế nhưng, có người có người lại không hề hay biết điều này, và tiêu diệt chúng vì nghĩ là côn trùng có hại.

Chất thải kỳ dị của côn trùng, không ngờ là gia tài - 3

Dần theo thời gian, do sự suy thoái của môi trường, bọ cánh kiến đỏ đã giảm mạnh cả về diện tích phân bố lẫn số lượng các cá thể. Loài côn trùng này giờ đây được xếp vào nhóm động vật "Sẽ nguy cấp" (VU) trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2020.

Với việc không có đủ nguồn cung, kết hợp với việc giờ đây đã có nhiều loại sơn và chất tạo màu tổng hợp, nên sơn cánh kiến không còn được sử dụng rộng rãi, và nghề làm sơn từ cánh kiến cũng đã trở nên mai một.