DMagazine

Chạm mặt rắn độc - nỗi lo mùa mưa

(Dân trí) - Hiện đã vào mùa mưa trên cả nước, cũng là mùa sinh sản của nhiều loài rắn hoặc thời điểm rắn non bắt đầu nở. Do vậy, tỷ lệ đụng độ rắn độc sẽ tăng cao, nhất là những khu vực rừng núi, nhiều cây cối.

Hiện đã vào mùa mưa trên cả nước, cũng là mùa sinh sản của nhiều loài rắn hoặc thời điểm rắn non bắt đầu nở. Do vậy, tỷ lệ người dân đụng độ rắn độc sẽ tăng cao, nhất là những khu vực rừng núi, nhiều cây cối.

Chạm mặt rắn độc - nỗi lo mùa mưa - 1

Chạy bộ, leo núi hoặc cắm trại dã ngoại là những hoạt động yêu thích của nhiều người. Trong đó, không ít người thường lựa chọn chạy bộ địa hình ở các khu vực rừng núi (chạy trail), hoặc cắm trại ở những nơi có nhiều cây cối để gần gũi thiên nhiên và hít thở không khí trong lành.

Chạm mặt rắn độc - nỗi lo mùa mưa - 3

Tuy nhiên vào thời điểm này, nếu bạn thường xuyên chạy bộ ở những cung đường nhiều cây cối, leo núi hoặc cắm trại ở những nơi gần gũi thiên nhiên… bạn cần phải đề cao cảnh giác và cẩn thận hơn, bởi lẽ đây là thời điểm có thể thường xuyên bắt gặp các loài rắn độc.

Ước tính Việt Nam có khoảng 140 loài rắn, trong đó có 31 loài rắn độc trên đất liền và 13 loài rắn độc ở biển (rắn biển). 

Trong đó một số loài rắn độc được phân bố rộng tại Việt Nam có thể kể đến rắn hổ mang Trung Quốc (phân bố khu vực phía bắc), rắn hổ đất (phân bố ở miền Trung và miền Nam), rắn hổ mèo (phân bố ở miền nam), cạp nia (cạp nia nam và cạp nia bắc phân bố trên cả nước), rắn chàm quạp (phân bố ở miền nam), rắn lục đuôi đỏ (phân bố khắp cả nước)…

Chạm mặt rắn độc - nỗi lo mùa mưa - 5

Một số loài rắn độc tại Việt Nam có nọc độc ảnh hưởng thần kinh, khiến nạn nhân tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. Trong khi đó một số loài rắn độc sở hữu nọc độc máu, gây nên hiện tượng hoại tử vết thương, khiến nạn nhân có thể phải tháo khớp, cắt rời chi… sau khi bị rắn cắn.

Một đặc điểm chung của các loài rắn độc tại Việt Nam đó là thường sinh sản vào đầu hoặc giữa mùa mưa.

Hiện tại là thời gian bắt đầu hoặc giữa mùa mưa trên khắp cả nước, cũng là thời điểm rắn độc xuất hiện phổ biến hơn, tăng khả năng đụng độ với con người, nhất là ở những khu vực rậm rạp, nhiều cây cối như rừng cao su, đồn điền cà phê, các con suối…

"Đụng nhầm" ổ rắn hổ mang khi đi hái nấm trong rừng (Video: Facebook).

Trên các nhóm Facebook về động vật hoang dã và rắn, nhiều cư dân mạng cho biết thời gian gần đây họ thường xuyên bắt gặp rắn độc bò vào nhà, trong đó phần lớn là rắn non mới nở. Thậm chí, có trường hợp bắt gặp cả ổ rắn độc mới nở ngay trong vườn nhà, hoặc trong rừng cao su, khiến nhiều người hoang mang, lo lắng...

Chạm mặt rắn độc - nỗi lo mùa mưa - 7
Chạm mặt rắn độc - nỗi lo mùa mưa - 9

Theo anh Phạm Minh Hiếu, chuyên gia về các loài rắn độc, đồng thời là chủ nhân của kênh Youtube nổi tiếng "Sứ giả rừng xanh" với những video cung cấp kiến thức hữu ích về các loài động vật hoang dã, rắn và bò sát, để tránh nguy cơ bị rắn cắn khi leo núi, chạy bộ ở những nơi rậm rạp, nhiều lá khô… người dân cần mang giày cao cổ và tránh bước xuyên qua các bụi cây.

Chạm mặt rắn độc - nỗi lo mùa mưa - 11

Trong trường hợp leo núi hoặc chạy bộ ở những nơi có nhiều cây cối và cần tìm vị trí để nghỉ ngơi, tuyệt đối không ngồi lên những đống lá khô, tránh xa những khúc cây mục… vì đây có khả năng là những vị trí rắn đang ẩn náu. Để đảm bảo an toàn, hãy ngồi lên những tảng đá và nền đất đã được gạt sạch lá khô.

Đa phần các loài rắn, dù có độc hay không, đều thường tìm cách lẩn trốn khi thấy động và rất hiếm khi chủ động tấn công con người, ngoại trừ trường hợp chúng bị giẫm trúng hoặc khi con người chủ định tấn công, tìm cách bắt… khiến rắn cảm thấy bị đe dọa và tấn công đáp trả con người để tự vệ.

Tuy nhiên, có một số loài rắn độc lại có khả năng ngụy trang rất tốt dưới đám lá cây khô và thường nằm im, thay vì tìm cách lẩn trốn khi thấy động. Nổi bật trong số đó có loài rắn chàm quạp (còn có tên gọi rắn lục nưa, rắn lục Malaysia…).

Tại Việt Nam, rắn chàm quạp phân bố chủ yếu ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và miền Nam, trong đó phổ biến nhất tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… Rắn chàm quạp có biệt danh là "mìn sống" vì thường nằm cố định một chỗ và sở hữu nọc độc rất nguy hiểm. 

Khi bị rắn chàm quạp cắn trúng và không được cứu chữa kịp thời, nạn nhân sẽ phù nề, hoại tử, rối loạn đông máu… nếu nhẹ cũng khiến nạn nhân có thể phải tháo khớp, cắt rời chi, nếu nặng gây tử vong.

Do vậy, nếu phải di chuyển qua những bụi cây rậm hoặc những đống lá khô, hãy sử dụng gậy dài để kiểm tra bụi cây và lá khô trước khi di chuyển qua, tránh việc bị rắn ẩn nấp trong những vị trí đó lao ra tấn công.

Chạm mặt rắn độc - nỗi lo mùa mưa - 13

Theo anh Phạm Minh Hiếu, bị rắn cắn trong khi đang trải nghiệm thiên nhiên là một tai nạn hết sức nghiêm trọng vì nạn nhân khó tiếp cận điều kiện y tế kịp thời và đầy đủ.

Anh Hiếu cho rằng tốt nhất vẫn là "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Những người yêu thích leo núi, cắm trại tại những khu vực hoang dã, gần gũi thiên nhiên… nên tham gia các khóa huấn luyện về nhận dạng động vật có độc trong rừng, đặc biệt nhận dạng các loài rắn độc và cách xử lý khi gặp chúng.

Chạm mặt rắn độc - nỗi lo mùa mưa - 15

Những người yêu thích leo núi và cắm trại tại nơi hoang dã sau khi nắm được những kiến thức về động vật nguy hiểm và các loài rắn độc trong rừng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro khi đi vào những nơi rậm rạp, nhiều cây cối…

Trong trường hợp xấu nhất đó là bị rắn độc cắn khi đang leo núi hoặc khi đang cắm trại trong rừng, cần phải có biện pháp garo, băng ép vết thương một cách hợp lý rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến các trung tâm y tế gần nhất.

Tuy nhiên, anh Phạm Minh Hiếu lưu ý rằng biện pháp garo chỉ áp dụng đối với các loài rắn sở hữu nọc độc thần kinh, trong khi đó với các loài rắn sở hữu nọc độc máu, nếu garo băng ép có thể gây ra hoại tử vết thương.

Vậy làm sao để phân biệt được loài rắn độc nào sở hữu nọc độc thần kinh và loài rắn nào sở hữu nọc độc máu? Theo anh Hiếu, không có đặc điểm để nhận dạng, mà mọi người cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức về các loài rắn và tham gia những khóa học nhận dạng các loài rắn độc là một giải pháp.

Đáng chú ý, các loài rắn độc không chỉ xuất hiện trong rừng, những khu vực cây cối rậm rạp… mà đôi khi các loài rắn độc cũng xuất hiện ở những khu vực dân cư. 

Nếu khu dân cư có những vị trí phù hợp để rắn ẩn náu và có nguồn thức ăn dồi dào, chẳng hạn như những bãi đất trống cây cối mọc rậm rạp hoặc có nhiều chuột… thì khu vực đó nhiều khả năng sẽ có rắn sinh sống, bao gồm cả những loài rắn độc.

Cần trang bị những kiến thức về các loài rắn và tham gia những khóa học nhận dạng rắn độc để giúp giữ an toàn khi đối mặt với rắn.

Cần trang bị những kiến thức về các loài rắn và tham gia những khóa học nhận dạng rắn độc để giúp giữ an toàn khi đối mặt với rắn.

Trong trường hợp phát hiện rắn vào nhà mà không thể phân biệt được rắn độc hay không, người dân cần phải tránh xa, không chủ động bắt rắn để đề phòng bị cắn trúng. Nên sử dụng gậy dài để gạt rắn ra khỏi nhà hoặc tìm kiếm sự trợ giúp của những người có kinh nghiệm, lực lượng cứu hỏa hoặc lực lượng kiểm lâm…

Nhìn chung, mọi người nên trang bị cho bản thân những kiến thức về các loài rắn, đặc điểm nhận dạng của những loài rắn độc phổ biến và dễ bắt gặp… để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời khi đụng phải rắn ngoài thiên nhiên cũng như trong trường hợp đối phó với rắn bò vào nhà.

Nội dung: Quang Huy

Thiết kế: Tuấn Huy