Cạy hàm cá sấu, người đàn ông may mắn sống sót dù bị ngoạm trúng đầu

Minh Khôi

(Dân trí) - Một người đàn ông ở Úc đã trở nên nổi tiếng nhờ sống sót sau khi bị cá sấu nước mặn ngoạm trúng đầu.

Cạy hàm cá sấu, người đàn ông may mắn sống sót dù bị ngoạm trúng đầu - 1

Cá sấu nước mặn là loài vật có lực cắn mạnh nhất trong số các loài động vật còn sống trên Trái Đất (Ảnh: Getty Images).

Theo lời kể của Marcus McGowan, một thợ lặn người Úc, anh bị cá sấu nước mặn tấn công trong lúc bơi cách bờ biển Cape York, Queensland khoảng 40 km.

"Con cá sấu bơi đến từ phía sau và ngoạm vào đầu tôi", Marcus McGowan hãi hùng kể lại sau vụ tấn công kinh hoàng. "Tuy nhiên, tôi nhận thấy mình có thể dùng tay để cạy hàm của nó đủ rộng để đưa đầu ra ngoài".

"Con cá sấu cố gắng tấn công lần thứ hai, nhưng tôi đẩy được nó ra bằng tay phải, dù bị cắn vào tay", Marcus McGowan chia sẻ. Sau đó, anh được đưa đến bệnh viện để điều trị các vết thương ở đầu và tay.

Theo Paul Gignac, một nhà nghiên cứu giải phẫu tại Đại học Arizona, những vết thương của McGowan vẫn còn tương đối nhẹ so với việc phải chiến đấu với một trong những kẻ săn mồi mạnh nhất hành tinh.

Cá sấu nước mặn trưởng thành có thể kẹp chặt con mồi với lực cắn khoảng 3.700 psi (tương đương 16.460 newton). Để so sánh, lực cắn này mạnh hơn khoảng 2,5 lần so với báo đốm Nam Mỹ (1.500 psi).

Với những lý do này, Paul Gignac khá ngạc nhiên trước việc McGowan sống sót, cũng như tránh được những vết thương nghiêm trọng sau bị cá sấu nước mặn tấn công bất ngờ.

Ngay cả khi con cá sấu tấn công McGowan là một cá thể chưa trưởng thành, Gignac cho biết nó vẫn có thể tung ra một đòn tấn công chết người. "Thật ngạc nhiên khi anh ấy sống sót", Gignac chia sẻ. "Cá sấu thường không buông bỏ một khi chúng đã cắn được vào con mồi".

Vị chuyên gia này cho rằng McGowan dường như đã vô cùng may mắn khi con cá sấu tấn công anh còn khá nhỏ, và chưa biết cách xoay người để xé mồi. Nếu không, McGowan nhiều khả năng đã mất đi một phần cơ thể.

Cạy hàm cá sấu, người đàn ông may mắn sống sót dù bị ngoạm trúng đầu - 2

Cá sấu là kẻ thù nguy hiểm số 1 với các loài vật sống dựa vào nguồn nước, trong đó bao gồm cả con người (Ảnh: Getty).

Cá sấu nước mặn, còn gọi là cá sấu cửa sông hay cá sấu hoa cà, là phân loài cá sấu lớn nhất và cũng là loài bò sát lớn nhất còn sống trên thế giới. Trung bình, cá sấu đực trưởng thành có thể đạt chiều dài tới 6,3 mét, nặng 500 kg.

Đúng như tên gọi, chúng thường sinh sống ở các vùng đất ngập nước, nơi có nước mặn và lợ. So với những anh em trong cùng giống loài, cá sấu nước mặn có phạm vi phân bố rộng nhất, trải dài từ bờ đông tiểu lục địa Ấn Độ cho tới hầu hết khu vực Đông Nam Á, đảo New Guinea và phía Bắc lục địa Australia.

Trang Wikipedia đánh giá cá sấu nước mặn là một loài động vật ăn thịt đầu bảng. Chúng có khả năng chiếm ưu thế so với hầu hết các loài động vật khác xâm nhập vào lãnh thổ, bao gồm cả những kẻ săn mồi khét tiếng như cá mập.

Dẫu vậy, thức ăn ưa thích của chúng là các loại cá nước ngọt và nước mặn, động vật không xương sống như giáp xác, các loài lưỡng cư, bò sát, chim. Không chỉ vậy, do kích thước to lớn, loài cá sấu này còn có thể ăn thịt cả động vật có vú, bao gồm cả con người.

Trên thực tế, với một lịch sử lâu dài thường xuyên tấn công và ăn thịt người trong phạm vi sinh sống của mình, cá sấu nước mặn được xem là một dã thú nguy hiểm đối với con người.

Cách thức tấn công thường gặp của chúng là phục kích con mồi, rồi bất chợt tấn công, ngoạm chặt, rồi nhấn chìm hoặc nuốt chửng toàn bộ con mồi.