Cấy ghép thành công giác mạc nhân tạo mang lại ánh sáng cho người mù
(Dân trí) - Một cụ ông 78 tuổi bị mù suốt 10 năm đã hồi phục thị giác sau ca phẫu thuật thành công kéo dài 1 giờ.
Y học đang tiến bộ nhanh chóng, đến mức những gì chúng ta vốn chỉ thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng thì nay đang trở thành hiện thực. Chỉ trong vài tháng, thế giới đã phát triển được một số loại vắc xin cho một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Các nhà khoa học đã tìm ra cách phục hồi chức năng thần kinh sau chấn thương tủy sống và một ngày nào đó sẽ cho phép người liệt nửa người có thể đi lại được. Các bác sĩ ung thư đã tìm ra cách phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả hơn bao giờ hết. Các chuyên gia khác thì đang làm chậm lại được quá trình lão hóa.
Và mới đây, một người đàn ông đã khôi phục được thị lực sau một ca phẫu thuật cấy ghép giác mạc nhân tạo. Liệu pháp này có thể không giúp ích cho những người mù bẩm sinh nhưng có thể khôi phục thị giác cho những bệnh nhân bị các bệnh về giác mạc.
Bệnh về giác mạc là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa ở hầu hết các nước đang phát triển. Mỗi năm ở các nước này có đến 2 triệu người bị mù do hỏng giác mạc. Ông Jamal Furani, 78 tuổi, là một trong số đó.
Người đàn ông này bị phù nề và một số căn bệnh khác, trong đó có hỏng giác mạc khiến ông bị mù. Nhưng ngay sau khi gỡ băng sau ca phẫu thuật, ông đã có thể đọc chữ và nhận ra những người thân trong gia đình.
Giáo sư Irit Bahar - Giám đốc Khoa Nhãn khoa của Trung tâm Y học Rabin, Israel, đã trực tiếp mổ cho ông Furani. Giác mạc nhân tạo cấy ghép cho ông Furani làm từ vật liệu xốp không phân hủy từ, là vật liệu tổng hợp 100%.
Giác mạc nhân tạo này thay thế cho các giác mạc bị sẹo hoặc bị biến dạng mà không cần bất cứ mô hiến tặng nào. Giác mạc nhân tạo này sử dụng công nghệ tế bào và kỹ thuật hóa học nano để mô phỏng môi trường tế bào tại chỗ.
Sau khi được đặt đúng vị trí, giác mạc sẽ tích hợp với mô sống và kích thích tăng sinh tế bào. Điều đó cho phép các phần tử nhân tạo tích hợp tốt hơn với mô lân cận. Nhờ những đặc điểm này, giác mạc nhân tạo sẽ không gây phản ứng của hệ miễn dịch.
Thời gian phẫu thuật chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ. Trung tâm sẽ tiếp tục các ca thử nghiệm khác. Hiện đã có 10 bệnh nhân đạt điều kiện thực hiện thử nghiệm lâm sàng tại Trung tâm Y học Rabin. Hai cơ sở khác ở Canada và sáu cơ sở ở Pháp, Hà Lan và Mỹ cũng sẽ tiến hành các ca phẫu thuật tương tự.
Những ca thử nghiệm đầu tiên này sẽ là những bệnh nhân mù không phù hợp để ghép giác mạc hiến tặng hoặc đã tiến hành nhưng thất bại. Các nhà khoa học dự định sẽ bắt đầu đợt thử nghiệm thứ hai trong năm nay với đối tượng bệnh nhân mở rộng hơn để sản phẩm giác mạc nhân tạo được chấp nhận là phương pháp điều trị hàng đầu, thay thế cho việc sử dụng mô hiến tặng trong các ca ghép giác mạc đủ độ dày.