Cấu tạo kỳ diệu của đôi bàn tay

(Dân trí) - Các nhà thần kinh học cho biết là có đến hơn 17.000 đầu dây thần kinh nối tiếp với não ở mỗi bàn tay. Họ cũng đưa ra kết luận dấu vân tay có quan hệ sâu sắc và mật thiết đến não bộ của con người và cùng phát triển đồng bộ với nhau. Vì thế muốn phát triển trí não của trẻ em, nên bắt đầu từ việc chăm chút sự khéo léo của hai bàn tay.

Như chúng ta đã biết, nhiều kết quả nghiên cứu đã đi đến kết luận con người cổ đại bắt đầu khác loài khỉ từ khi biết đi trên hai chân, tức là cách đây khoảng năm triệu năm.

Đi trên hai chân cho phép mở rộng tầm nhìn. Và nhất là giải phóng được hai bàn tay. Từ đó mới có thể sờ mó, nhận định cụ thể để tiếp sức phát triển não bộ – não bộ ta nặng hơn gấp đồi não của khỉ , đó là chưa nói đến tất cả những cấu trúc nghìn trùng phức tạp hơn.

Các nhà thần kinh học cho biết là có đến hơn 17.000 đầu dây thần kinh nối tiếp với não ở mỗi bàn tay. Cơ quan thứ nhì giỏi tiếp cận “thông tin” bên ngoài là vùng xung quanh miệng. Mắt cũng quan trọng, để “nắm” thông tin, nhưng mắt không có khả năng sáng tạo như hai bàn tay…


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thật vậy, không những tiếp cận thông tin, với hai bàn tay, nhân loại từ từ khéo léo hơn và sáng chế ra dụng cụ, để đi săn, để cắt, để trồng trọt… và tạo cho mình khả năng … sống với thiên nhiên và phát triển cùng với thiên nhiên.

Nói riêng vân tay đã thể hiện nhiều điều kì diệu của đôi bàn tay. Vân tay được hình thành từ trước khi sinh, trong suốt quá trình phát triển của bàn tay. Vân tay không hẳn được hình thành từ da mà chúng được tạo ra bởi những gờ nằm trong phần cơ ở dưới da. Các vân tay được phân loại theo các dạng khác nhau để sắp xếp và tìm kiếm dễ dàng.

Một mục đích tiềm năng của vân tay đó là chúng cải thiện khả năng xúc giác của chúng ta. Bằng các công trình nghiên cứu thực tế của các nhà khoa học làm trong ngành sinh trắc dấu vấn tay (Dermatoglyphics) chỉ ra rằng dấu vân tay có quan hệ sâu sắc và mật thiết đến não bộ của con người. Bằng việc nghiên cứu dấu vân tay các nhà khoa học có thể tìm ra được những bí ẩn của bộ não con người

Các nhà bác học cho rằng dấu vân tay được hình thành dưới tác động của hệ thống gen di truyền mà thai nhi được thừa hưởng và tác động của môi trường thông qua hệ thống mạch máu và hệ thống thần kinh nằm giữa hạ bì và biểu bì. Trong số các tác động đó phải nói đến đó là sự cung cấp ôxy, sự hình thành các dây thần kinh, sự phát triển của các biểu mô, các tuyến mồ hôi… Điều thú vị là mặc dù có chung một hệ thống gen di truyền nhưng vân tay ở mười đầu ngón tay của mỗi cá nhân khác nhau. Năm 1868, theo nghiên cứu của nhà bác học Roberts đã cho thấy rằng mỗi ngón tay có một môi trường phát triển vi mô khác nhau, ngoài ra ngón tay cái và ngón tay trỏ còn phải chịu thêm một vài tác động môi trường riêng. Suy ra vân tay trên mười đầu ngón tay của một cá nhân khác nhau. Những cặp song sinh có cùng trứng thường dấu vân tay khá là giống nhau nhưng vẫn có thể phân biệt được rõ dấu vân tay của từng người. Vì tuy là có hệ thống gen di truyền và chia sẻ chung môi trường phát triển trong bụng mẹ nhưng do họ có vị trí khác nhau trong dạ con nên môi trường vi mô của họ khác nhau và do đó có dấu vân tay khác nhau.

Cuối thế kỉ 19 năm 1880, Tiến sĩ Henry Faulds đã chứng minh được rằng có thể dự đoán tương đối chính xác tổng số lượng vân tay TRC (Total Ridge Count) và mức độ phụ thuộc của chúng vào gen di truyền của mỗi người.

TRC phản ánh gần đúng sự đóng góp của từng gen riêng biệt trong hệ thống gen vào việc hình thành một con người cụ thể. Đúng vậy, dấu vân tay được hình thành nhờ tác động của hai yếu tố hệ thống gen và môi trường nên nó phản ánh được quá trình hình thành và phát triển của thai nhi

Năm 1926 Tiến sĩ Harold Cummins được xem là cha đẻ của ngành nghiên cứu khoa học dấu vân tay. Ông đã nghiên cứu và phát hiện dấu vân tay được khởi tạo ở thai nhi vào giai đoạn từ 13 đến 19 tuần tuổi và được hình thành đồng thời với sự hoàn thiện các cấu trúc của não bộ.

Ngành khoa học thần kinh đã đưa ra kết quả rằng dấu vân tay và não bộ cùng phát triển đồng bộ với nhau.

Giáo sư khoa thần kinh học người Canada Penfield đã công bố một biểu đồ thể hiện mối quan hệ giữa các vùng não và chức năng của cơ thể. Nội dung có nói đến mối quan hệ giữa dấu vân tay và não bộ cũng đã được chỉ ra.

Chuyên gia y khoa Nhật Bản cũng đã chứng minh được rằng các ngón tay liên quan chặt chẽ đến bán cầu não. Nghiên cứu này đã được áp dụng rộng rãi cho nhiều lĩnh vực, tạo ra một bước phát triển vượt bậc trong y khoa.

Vì thế, để tìm hiểu tại sao một người lại hành động như thế này còn người kia hành động theo cách khác, một người không có năng khiếu giống người kia, vậy chỉ còn cách phân tích dấu vân tay, nghiên cứu họ thông qua dấu ấn rất riêng được thể hiện bằng các đường vân trên ngón tay.

Từ những kết quả nghiên cứu nói trên, muốn phát triển trí não của trẻ em, nên bắt đầu từ việc chăm chút sự khéo léo của hai bàn tay.

Trẻ có thói quen sử dụng hai bàn tay rất sớm. Từ lúc chào đời, chưa được một tháng tuổi, các cháu đã bắt đầu biết chơi với các ngón tay mình. Đưa tay vào miệng bú, cháu cảm thấy bình an hơn. Sau đó, cháu dùng tay sờ mó các vật xung quanh: từ làn da mịn màng của mẹ, bàn tay sần sùi hơn của cha, tới các món đồ chơi, …

Bốn tháng, cháu mạo hiểm hơn, chân đạp, tay với tới và miệng chảy nước bọt thích thú khi khám phá được chân trời mới.

Lớn hơn một tí, lúc bắt đầu biết đi, nhu cầu sờ mó khám phá càng lớn hơn. Xin nhắc lại rằng từ lúc nhân loại thẳng lưng đứng dậy là lúc ta bắt đầu khác thú vật và thành … người.

Các bà mẹ tinh ý sẽ cung cấp cho con mình kể từ vào độ tuổi này đủ thứ trải nghiệm bằng cách cho các cháu bé tham gia vào việc nhà, kể cả việc rửa chén – bọt xà phòng, đĩa trơn trợt, đôi khi các cháu đánh vỡ vài cái bát, cái chén nhưng trải nghiệm qúy giá biết bao nhiêu. Các cháu khám phá vũ trụ xung quanh, trong những tình huống khác nhau của đời thường.

Đi thăm các trang trại, sở thú, đi về quê – đối với các cháu sống ở thành phố – , là những kinh nghiệm cần thiết …

Chơi các trò chơi lắp ghép các hình, từ đơn giản đến phức tạp vừa rèn luyện sự léo của đôi tay vừa giúp phát triển trí não. Làm việc bằng tay chân tiếp theo đó cho các cháu từ độ tuổi đi học để rèn hai bàn tay và làm giàu các nơron não. Chơi một nhạc khí cũng thuộc vào thể loại này.

H. M (tổng hợp)