(Dân trí) - Vợ chồng giáo sư Karim là những nhà dịch tễ học nổi tiếng với những đóng góp to lớn cho công cuộc chống lại căn bệnh HIV. Hơn bao giờ hết, chúng ta có thể sẽ nhìn thấy sự kết thúc của AIDS.
CẶP VỢ CHỒNG NGƯỜI NAM PHI VÀ ĐỘT PHÁ KHOA HỌC
CHỐNG LẠI CĂN BỆNH THẾ KỶ
Vợ chồng giáo sư Karim là những nhà dịch tễ học nổi tiếng với những đóng góp to lớn cho công cuộc chống lại căn bệnh HIV nhờ tìm ra gel Tenefovir. "Hơn bao giờ hết, chúng ta có thể sẽ nhìn thấy sự kết thúc của AIDS", hai vị giáo sư cho biết.
Đại dịch Covid-19 bùng phát, kéo theo sự chú ý của cả nhân loại trong hơn 2 năm vừa qua. Thế nhưng khi nhìn lại xa hơn, chúng ta vẫn không thể quên được HIV/AIDS - đại dịch đã hoành hành hơn 40 năm, để lại những "vết sẹo" không thể xóa nhòa trong cuộc sống.
Theo ước tính, mỗi năm thế giới lại có thêm 1,5 triệu người nhiễm HIV/AIDS, hơn 600.000 ca tử vong. Ở châu Phi, nhiều cộng đồng vẫn tồn tại những quan điểm sai lệch như HIV/AIDS bắt nguồn từ phụ nữ, phụ nữ không được nói về tình trạng nhiễm HIV của mình, cấm sử dụng bao cao su... Những điều đó đã đặt ra một trong những câu hỏi lớn nhất với nhân loại, phải làm gì để cứu phụ nữ và các em gái khỏi thảm họa HIV/AIDS.
Có 2 nhà khoa học Nam Phi luôn trăn trở tìm lời giải đáp cho câu hỏi này. Hơn 30 năm qua, họ đã không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm các phương pháp giúp ngăn chặn HIV AIDS ở những nước nghèo. Đó là vợ chồng GS. Salim Abdool Karim và GS. Quarraisha Abdool Karim. Họ cũng là những người đã xuất sắc nhận Giải thưởng VinFuture dành cho nhà khoa học từ nước đang phát triển với phát minh gel có chứa dược chất Tenofovir - sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV.
Từng nhiều lần thất bại
Bà Quarraisha và chồng của mình, ông Salim đều sinh ra và lớn lên ở Nam Phi. Hai người gặp nhau khi cùng theo học tại trường Y Nelson Mandela, và sớm nảy sinh tình cảm.
Có lẽ việc sinh ra trong cùng hoàn cảnh, và chung khát vọng cứu giúp những người phụ nữ trước đại dịch HIV/AIDS đã đưa họ đến gần nhau hơn. Sau đó, họ chuyển đến New York học cao học. Lấy được bằng thạc sĩ tại ĐH Colombia vào năm 1988, họ kết hôn.
Những năm 1990, căn bệnh thế kỷ tàn phá đất nước. Theo chia sẻ của GS. Quarraisha, vì là một phụ nữ, nên bà luôn nhìn thấy, cảm nhận thấy những định kiến của cộng đồng và sự khó khăn khi chống đỡ các làn sóng HIV/AIDS.
"15 năm trước, phụ nữ có tỉ lệ mắc cao 4 lần nam giới, trong đó, đa phần là phụ nữ trẻ từ 15-19 tuổi. Điều này là do tại thời điểm ấy, bao cao su, phòng tránh thai, hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức chưa dễ tiếp cận. Đó là vì những cô gái trẻ đang quan hệ tình dục với những người đàn ông lớn tuổi hơn", GS. Quarraisha cho biết. Bà khẳng định đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến đại dịch HIV ở châu Phi.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề rất khó để giải quyết. Từ các nghiên cứu của mình, nữ giáo sư Quarraisha nhận thấy ngay cả khi trẻ em gái và phụ nữ biết nguy cơ của việc quan hệ tình dục không an toàn, phần lớn trong số họ vẫn không sợ khi nhắc tới HIV/AIDS, nguyên nhân vì họ có đời sống quá cơ cực. "Đối với họ, nguy cơ nhiễm HIV/AIDS trong vòng 6-7 năm ít được ưu tiên hơn là công việc kiếm sống cho ngay hôm nay, cho ngày mai", bà chia sẻ..
Năm 1994, bà bắt đầu cố gắng tìm cách giúp phụ nữ tự bảo vệ mình khỏi HIV mà không cần sự phụ thuộc vào nam giới. Nhờ từng làm việc với những người hành nghề mại dâm, GS. Quarraisha nảy ra ý tưởng về một loại gel chống HIV mà phụ nữ có thể sử dụng để tự phòng tránh HIV, thay vì cố gắng bắt họ thay đổi quan điểm của mình.
Năm 2001, đôi vợ chồng giáo sư tập hợp nhóm các nhà nghiên cứu cùng chí hướng thành lập Trung tâm Nghiên cứu AIDS tại Nam Phi (CAPRISA), nơi ông Salim đảm nhiệm vai trò giám đốc trung tâm còn bà Quarraisha là giám đốc khoa học.
Năm 2004, khi điều trị cho bệnh nhân lao phổi do nhiễm HIV, họ phát hiện một loại thuốc an toàn, Tenofovir - có thể chế biến thành dạng gel chứa hợp chất, để trở thành loại thuốc mang tác động lớn cho bệnh nhân.
Ông Salim khi ấy lập tức bay đến thị trấn nhỏ Foster để tìm kiếm các doanh nghiệp cung cấp công nghệ sinh học để trao đổi, nhằm tìm nguồn Tenofovir lâu dài. Tuy nhiên, ông đã bị từ chối. Sau khi cố gắng rất nhiều lần, cuối cùng dự án được hợp tác, doanh nghiệp đồng ý cung cấp dược chất cho GS. Salim để ông thực hiện nghiên cứu của mình.
Họ trải qua hơn 6 năm thử nghiệm với nhiều lần thất bại, tưởng như đi vào "ngõ cụt". Song, những gian nan ấy không ngăn được hai vợ chồng GS. Karim tiếp tục kiên trì với ý tưởng của mình, và tiếp cận theo những cách khác nhau.
Trong một cuộc trao đổi với báo News của Nam Phi, GS. Salim đã chia sẻ về lịch trình làm việc dày đặc của ông. Sau khi làm việc cả ngày và ăn tối với gia đình, ông bắt đầu "ngày làm việc tiếp theo" của mình từ 20h30 đến 2h sáng. Đây là thói quen ông đã có từ nhiều năm.
Cuối cùng, đến năm 2010, họ mới tạo ra sản phẩm hoàn thiện là loại gel giúp phòng chống HIV chủ động.
Thế nhưng lúc có gel rồi, hai vợ chồng vẫn phải "đau đầu" vì không biết phải dùng cách nào để phụ nữ bôi gel vào âm đạo. Cuối cùng họ đã dùng thử xilanh - một vật dụng y tế có giá thành rẻ, dễ dùng và dễ sử dụng. Điều này khiến họ vui mừng khôn xiết vì đã tìm ra giải pháp cho đại dịch HIV tại châu Phi.
Đó là hành trình tìm ra loại thuốc cứu sống cho hàng triệu người, được vợ chồng GS. Karim chia sẻ tại buổi talkshow cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture 21/1.
Gel ngừa HIV - "lá chắn" bảo vệ những người phụ nữ yếu thế
Vào ngày 20/7/2010, các nhà nghiên cứu Nam Phi dẫn đầu bởi hai vợ chồng GS. Karim, tự hào công bố kết quả toàn cầu đầu tiên cho thấy một chất diệt vi khuẩn có thể bảo vệ chống lại HIV dưới dạng gel lỏng.
Trong các thử nghiệm lâm sàng về một loại gel có chứa thuốc kháng virus Tenofovir, những phụ nữ sử dụng gel này đã báo cáo giảm 39% trường hợp nhiễm HIV so với những người sử dụng gel giả dược. Những người phụ nữ tuân thủ chặt chẽ (sử dụng gel trên 80% thời gian trước và sau khi giao hợp), tỷ lệ nhiễm HIV giảm 54%.
Nghiên cứu của họ đã cung cấp bằng chứng cho thấy Tenofovir có thể phòng ngừa lây nhiễm HIV, qua đó đặt nền móng cho phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Năm 2015, WHO khuyến nghị áp dụng PrEP với thuốc Tenefovir dạng uống là biện pháp phòng ngừa HIV tiêu chuẩn cho người có nguy cơ lây nhiễm cao. PrEP hiện được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, góp phần ngăn chặn lây lan HIV trên toàn cầu. Năm 2017, khoảng 30 quốc gia đã đưa công trình này vào danh mục thuốc và hiện đã tăng lên hơn 80 quốc gia.
Công trình của vợ chồng GS. Karim cũng được UNAIDS và WHO công nhận là đột phá khoa học quan trọng, có tác động to lớn đến nỗ lực ngăn ngừa đại dịch thế kỷ tại châu Phi và trên toàn thế giới. Không chỉ cứu sống nhiều người, nghiên cứu của họ thậm chí có thể trở thành nền tảng phát triển vaccine.
Trong đó, nỗ lực phòng chống HIV hiệu quả cho phụ nữ không chỉ giúp làm giảm nhu cầu điều trị ARV của họ mà còn hạn chế nguy cơ trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV. Theo các nhà nghiên cứu, những thành tựu này có tác động to lớn với nỗ lực ngăn chặn lây lan HIV trên khắp thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển.
"Thật tuyệt vời khi chứng kiến một căn bệnh chắc chắn gây tử vong (AIDS) rồi có thể biến chúng thành thứ có thể kiểm soát được", GS. Salim chia sẻ. Ông thừa nhận đây chính là điều mà cả hai vợ chồng ông đều mong mỏi được nhìn thấy trong cuộc đời mình. "Hơn bao giờ hết, chúng ta có thể sẽ nhìn thấy sự kết thúc của AIDS", GS. Salim tự tin cho biết.