Cao Bằng liên tiếp xuất hiện động vật kỳ lạ: Hết chuột túi lại đến lạc đà
(Dân trí) - Thời gian gần đây, tỉnh Cao Bằng liên tục xuất hiện những cá thể động vật không phải loài bản địa, khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.
Cao Bằng liên tục xuất hiện động vật kỳ lạ
Lạc đà có nguồn gốc từ các vùng sa mạc cằn cỗi, thuộc châu Á và Bắc Phi. Trong khi đó, chuột túi là loài động vật bản địa của Úc và New Guinea. Thế nên việc 2 loài vật này "vô tình" có mặt tại một tỉnh của Việt Nam thời gian gần đây đã khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.
Mọi thứ bắt đầu khi thời gian gần đây, cư dân mạng xôn xao trước hình ảnh 2 con lạc đà trưởng thành, khỏe mạnh, đi lại trên đường tại Cao Bằng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Công an xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) cho biết, 2 con lạc đà kể trên được đồn biên phòng phát hiện cách đây nửa năm tại khu vực biên giới, tuy nhiên tới nay vẫn chưa có người tới nhận.
Trước đó ít lâu, mạng xã hội tại Việt Nam cũng lan truyền một đoạn clip ghi lại hình ảnh sinh vật giống chuột túi, di chuyển dọc theo một tuyến đường thuộc địa phận huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Long, xác nhận thông tin trên và cho biết, con chuột túi đầu tiên được người dân phát hiện và bắt giữ tối 8/11.
Qua giám định loài, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật kết luận 4 cá thể trên có tên khoa học là Notamacropus rufogriseus - loài chuột túi lớp thú, không phân bổ ở Việt Nam. Ngoài ra, đây là loài chuột túi không có tên trong danh mục loài nguy cấp quý hiếm.
Trong khi đó, loài lạc đà vốn dĩ cũng không phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm đặc trưng của Việt Nam.
Được biết, các cá thể chuột túi đều do nhóm buôn lậu vứt lại trên đường vận chuyển trái phép qua biên giới. Còn 2 con lạc đà dù chưa được làm rõ nguồn gốc, nhưng nhiều khả năng cũng với lý do tương tự.
Số phận những con vật bị bỏ rơi sẽ ra sao?
Theo Điều 10 Thông tư số 29/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xử lý động vật rừng là tang vật, vật chứng, động vật rừng do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp nhà nước, có 5 hình thức xử lý gồm:
Thả lại về môi trường tự nhiên; Cứu hộ; Chuyển giao cho vườn động vật, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành; Bán; Tiêu hủy.
Đối với chuột túi, theo một đại diện của Tổ chức Động vật châu Á (Animals Aisa), không nên thả chúng ra tự nhiên, mà nên đưa về sở thú hoặc vườn thú bán hoang dã (safari) vì chúng mang tính trưng bày.
"Đây là loài có thể sống và sinh sản dễ dàng ở Úc, nhưng không có nghĩa về Việt Nam sẽ sống khỏe", đại diện này chia sẻ. Nguyên nhân là bởi chuột túi không phải loài bản địa, nên không được phép thả về môi trường tự nhiên.
Ngày 22/11, ông Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn phát triển sinh vật Hoàng Liên (Lào Cai), cho biết 4 cá thể chuột túi tiếp nhận từ Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) hiện được nuôi nhốt, cách ly trong khu vực cứu hộ riêng.
Chuồng rộng 150m2, gồm sân chơi và khu vực có mái che, được trang bị thêm máy sưởi để chuột túi tránh rét. Phía ngoài treo tấm bảng "khu vực cách ly, chăm sóc động vật hoang dã", khuyến cáo người dân không lại gần, không cho động vật ăn.
Còn 2 con lạc đà thì đang được đồn biên phòng Xuân Trường tạm nuôi dưỡng, vì chưa có người tới nhận. Hàng ngày, chúng được thả ra ngoài môi trường tự nhiên để ăn cỏ và có người trông coi.
Dẫu vậy, giới chuyên môn cho rằng nhiều khả năng biện pháp tiêu hủy nhân đạo cũng sẽ được tính đến nếu không thể thả chúng về tự nhiên hoặc các cá thể mang dịch bệnh.