1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Cần có chính sách mạnh mẽ để hạn chế nhu cầu sử dụng động vật hoang dã

(Dân trí) - “Việt Nam cần sớm có những chính sách mạnh mẽ hơn và những biện pháp hiệu quả nhằm giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã”.

Ông Michael Greene, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam kiến nghị tại Tọa đàm khoa học về chính sách bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp của một số nước khu vực Châu Á – Kinh nghiệm đối với Việt Nam lần thứ 2.

Buổi tọa đàm do USAID phối hợp với Thư viện Quốc hội – Văn phòng Quốc hội Việt Nam phối hợp tổ chức thu hút sự tham gia của 35 đại biểu, khách mời, bao gồm các đại biểu Quốc hội, đại biểu đến từ một số cơ quan của Đảng, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhất dân tối cao và các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên. Cuộc Tọa đàm này nằm trong chuỗi ba hoạt động do Chương trình Động vật hoang dã Châu Á của USAID chủ trì thực hiện, hướng tới việc chấm dứt nhu cầu tiêu thụ trái phép sản phẩm từ động vật hoang dã tại Việt Nam.

Ở cuộc Tọa đàm lần thứ nhất tổ chức vào tháng 7/2019 tập trung vào phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của hệ thống pháp luật về bảo vệ  động vật hoang dã (ĐVHD) thì tại cuộc Tọa đàm lần thứ 2 chú trọng hơn đến việc chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách bảo vệ, bảo tồn ĐVHD và phương thức tuyên truyền hiệu quả, cụ thể là việc định hướng một chiến lược tuyên truyền mang tính quốc gia và tập trung vào đối tượng người sử dụng.

Cần có chính sách mạnh mẽ để hạn chế nhu cầu sử dụng động vật hoang dã - 1

Ông Phạm Đình Toản – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (người đứng) chia sẻ tại Tọa đàm. 

Trao đổi tại Tọa đàm, ông Phạm Đình Toản – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Sau cuộc Tọa đàm được tổ chức vào tháng 7/2019, việc nhìn nhận, đánh giá những hạn chế của quy định của pháp luật và thực trạng tội phạm liên quan đến ĐVHD, công tác bảo vệ ĐVHD đã có những tiến bộ và được quan tâm hơn. Gần đây nhất, ngày 28/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, trong đó có nội dung yêu cầu cấm nhập khẩu ĐVHD vào Việt Nam nhằm phòng, chống dịch bệnh.

Trong khi đó, ông Michael Greene cho biết: Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao và ủng hộ các sáng kiến hay và sáng tạo nhằm đấu tranh chống lại tội phạm về ĐVHD cũng như giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD. Sức ép từ cộng đồng quốc tế và sự bùng phát của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra là những yếu tố thúc đẩy Việt Nam cần sớm có những chính sách mạnh mẽ hơn và những biện pháp hiệu quả nhằm giảm nhu cầu sử dụng ĐVHD.

“Chấm dứt nhu cầu sử dụng ĐVHD không chỉ là cách bảo vệ sức khỏe của con người khỏi những virus truyền bệnh lạ nguy hiểm mà còn góp phần vào việc bảo tồn, duy trì giống nòi và sự sinh tồn cho nhiều ĐVHD nguy cấp. Tọa đàm hôm nay là bước đệm để những quyết tâm chính trị sẽ được hiện thực hóa thành những hành động cụ thể của mọi cấp chính quyền”, ông Michael Greene nói.

Phân tích từ kinh nghiệm bảo tồn động vật hoang dã thông qua các công cụ pháp lý và truyền thông thay đổi hành vi từ Trung Quốc, bà Sarah Ferguson – Giám đốc Văn phòng Dự án Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho rằng khi xây dựng Luật bảo vệ Động vật hoang dã (ĐVHD) Việt Nam cần hướng vào việc bảo vệ các hệ sinh thái nói chung và ĐVHD nói riêng; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng có liên quan; Các quy định cần được thống nhất, giảm chồng chéo; cần được cập nhật dựa trên xu hướng phát triển của tội phạm buôn bán ĐVHD; Luật cần được hoàn thiện để loại bỏ các kẽ hở, ví dụ cần nêu rõ khối lượng hợp pháp của sản phẩm từ ĐVHD và nuôi nhốt nguy cấp được phép sở hữu.

Việc thực thi pháp luật cần được hỗ trợ đầy cả về mặt nhân lực và vật lực; thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực; phải có giao thức và xác định trách nhiệm rõ ràng…

Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng,  trong những năm gần đây, Việt Nam đã cho thấy sự chủ động và tích cực trong công tác bảo tồn, bảo vệ ĐVHD, phản ánh thông qua hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, những quy định mới được ban hành nhằm bảo vệ ĐVHD. Trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật để bảo vệ ĐVHD khá toàn diện. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được xem là điểm nóng về tiêu thụ và trung chuyển nhiều loại ĐVHD.

Chính vì vậy, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và các ý kiến của các đại biểu tham dự, kết quả thu được từ cuộc tọa đàm khoa học này sẽ được tổng hợp và cung cấp thêm thông tin đến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong quá trình chuẩn bị và ban hành chính sách, pháp luật liên quan của Việt Nam.

Nguyễn Hùng