Cận cảnh cá mập, vích, đồi mồi… bơi dưới nước ở Nha Trang
(Dân trí) - Đến thăm Viện Hải dương học Nha Trang, chúng ta sẽ được tận mắt chứng kiến cá mập, rùa xanh, đồi mồi, vích… bơi lặn ở trong nước vô cùng thích thích thú, hấp dẫn. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ, trưng bày hàng chục nghìn mẫu sinh vật, động thực vật biển.
Viện Hải dương học Nha Trang có tiền thân là Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương, ra đời theo quyết định của Toàn quyền Đông Dương vào năm 1922. Từ năm 1930 đến năm 1952, Viện mang tên là Viện Hải dương học Đông Dương theo quyết định nâng cấp của Tổng thống Pháp lúc bấy giờ.
Sau hơn 90 năm hình thành và phát triển, Viện Hải dương học Nha Trang đã có những đóng quan trọng cho nghiên cứu hải dương học của khu vực và trên thế giới. Khi đến thăm Viện Hải dương học, chúng ta sẽ được thăm Bảo tàng Hải dương học - một bộ phận thuộc Viện này.
Hiện nay, bảo tàng này đang lưu giữ hơn 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loài sinh vật biển và động thực vật, bao gồm cả Biển Đông, Vịnh Thái Lan và Biển Hồ Campuchia. Bảo tàng Hải dương học Nha Trang cũng là nơi lưu giữ một tập hợp mẫu vật lớn nhất Việt Nam, mang tầm cỡ ở khu vực, phản ánh quá trình dày công nghiên cứu, tìm kiếm của các nhà khoa học.
Đến thăm Bảo tàng Hải dương học sẽ được bắt gặp đại diện của cá heo và cá mập trắng nhồi bông. Ngoài ra, khi đến thăm Bảo tàng Hải dương học, chúng ta còn được ngắm nhìn các loài động vật biển nuôi trong bể lớn hoặc bể kính như: rắn biển, cá mập, rùa xanh, đồi mồi, vích, các loài nhuyễn thể…
Bên cạnh đó, nơi đây còn giới thiệu với người xem các đặc điểm tự nhiên của vùng Biển Đông, những cảnh quan môi trường vùng biển ven bờ, các hệ sinh thái như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển…
Ngoài chức năng bảo tồn, Bảo tàng Hải dương học còn có nhiệm vụ không hề kém quan trọng là phổ biến, giáo dục kiến thức về bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển, đại dương.
Dưới đây là một số hình ảnh về rùa xanh, vích, đồi mồi ở Viện hải dương học Nha Trang:
Viết Hảo