1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

"Cái chết đen" thời trung cổ tạo ra miễn dịch tới tận ngày nay

Nam Đoàn

(Dân trí) - Nhóm các nhà nghiên đến từ Canada, Pháp đã phát hiện được các gen bảo vệ chống lại "Cái chết đen" được di truyền đến tận ngày nay, tạo ra sự miễn dịch trên người.

Cái chết đen thời trung cổ tạo ra miễn dịch tới tận ngày nay - 1

Chỉ trong 8 năm, Cái chết đen đã giết chết tới 30-60% dân số châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi (Ảnh minh họa: Radio Canada).

Cách đây khoảng 700 năm, trên thế giới xảy ra "Cái chết đen" - một trong những thảm họa tồi tệ nhất lịch sử loài người. Dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng khoảng 155-200 triệu người, chiếm 30-60% dân số châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi thời Trung Cổ.

"Vũ điệu của cái chết" này là do đại dịch hạch gây ra từ vi khuẩn Yersinia pestis. 

Một câu hỏi được các nhà khoa học đặt ra chính là, vi khuẩn gây bệnh dịch hạch đã tự mất đi khả năng tấn công hay con người đã hình thành hệ thống miễn dịch.

Việc tái tạo bộ gen từ DNA cổ đại được lấy từ các nạn nhân chết trong thời điểm thảm họa dịch hạch xảy ra (hiện đang được chôn cất tại nghĩa trang ở London, Vương quốc Anh và Đan Mạch) đã giúp các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích sự tiến hóa của các gen trong hệ thống miễn dịch.

Kết quả cho thấy, trong số những bộ gen của các nạn nhân có 4 gen làm tăng đề kháng ở người. Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu phát hiện một gen có tên là ERAP2.

Nhà khoa học Christian Demeure, Viện Pasteur, Pháp giải thích: "Gen ERAP2 có thể tồn tại ở dạng gen tốt hoặc gen lỗi. Một cá nhân có thể có hai bản sao chức năng của gen này hay hai bản sao bị lỗi. Hoặc mang gen của cả hai dạng trên. Sự biến đổi này vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay".

Cái chết đen thời trung cổ tạo ra miễn dịch tới tận ngày nay - 2
Bị loài bọ chét, chuột mang theo virus, Cái chết đen lan rộng khắp châu Âu (Ảnh: Le Message). 

Đáng chú ý, sự tương tác giữa vi khuẩn Yersinia pestis sống và tế bào người mang một trong ba tổ hợp gen ERAP2. Nhóm nghiên cứu đã nhận thấy rằng, các đại thực bào mang bản sao kép tốt có thể vô hiệu hóa virus này hiệu quả hơn.

Đồng thời, những người sở hữu biến thể này có tỷ lệ sống sót cao hơn hai nhóm còn lại (chiếm 40%). Điều đó cho thấy rằng, sau trận dịch đầu tiên của "Cái chết đen", chính những người này có thể sống sót.

Mặt trái của vấn đề

Bằng cách tăng sức đề kháng, hệ thống miễn dịch của con người trở nên dễ mắc các bệnh tự miễn dịch hơn ví như bệnh Crohn, viêm khớp dạng thấp.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện 4 gen được xác định ở trên đều có liên quan đến sự xuất hiện của các bệnh này.

Christian Demeure giải thích: "Quá trình viêm nhiễm của người để tiêu diệt virus đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các rối loạn tự miễn dịch con người chúng ta ngày nay".

Nghiên cứu đã được công bố vào ngày 19/10/2022 trên tạp chí Nature.

Theo www.sciencesetavenir.fr