1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Các “vụ nổ ngàn sao” thường xuyên bắn kim loại quý khắp vũ trụ

(Dân trí) - Những vụ nổ cực lớn giữa hai sao neutron bắn ra vàng, bạc, bạch kim, uranium và nhiều nguyên tố quý hiếm khác có thể xảy ra thường xuyên trong vũ trụ, nghiên cứu mới của NASA tiết lộ.

“Nổ ngàn sao" (kilonova: tạm dịch) được biết đến là những vụ nổ xảy ra khi hai sao neutron va chạm với nhau trong vũ trụ, phun ra dòng hạt năng lượng cực mạnh xuyên qua vũ trụ, có thể bóp méo không gian và thời gian.

Gần đây nhất, các nhà khoa học nghiên cứu vũ trụ của NASA đã phát hiện dấu vết của một vụ nổ ngàn sao cách Trái Đất 1,7 tỷ năm ánh sáng. Điều đặc biệt là các nhà thiên văn đã cùng lúc bắt được cả sóng hấp dẫn và ánh sáng được tạo ra từ cùng một nguồn trong sự kiện được đặt tên GW170817 vào ngày 17/8/2017.


Vụ nổ ngàn sao giữa hai sao neutron thường phun ra năng lượng cực mạnh và các kim loại quí hiếm.

Vụ nổ ngàn sao giữa hai sao neutron thường phun ra năng lượng cực mạnh và các kim loại quí hiếm.

Trước đó, năm 2015, đài thiên văn Neil Gehrels Swift của NASA đã phát hiện ra ánh sáng tia gamma của một vụ nổ tương tự có số hiệu GRB150101B.

Sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học vừa qua đã công bố nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Communications liên quan đến hai sự kiện này.

Theo đó, cả hai vụ nổ sao neutron có nhiều điểm tương đồng dù có khoảng cách khác nhau trong vũ trụ. Điều đó cho thấy rằng có thể trong vũ trụ vẫn thường xuyên xảy ra các vụ nổ sao neutron.

Đây là một phát hiện vô cùng quan trọng trong thiên văn học bởi nó sẽ giúp mở ra chương mới trong ngành nghiên cứu vật lý thiên văn toàn cầu .

Trước khi đi đến những kết luận, các nhà thiên văn học đã sử dụng dữ liệu phân tích từ Đài thiên văn tia X Chandra, kính viễn vọng không gian Hubble và kính viễn vọng Discovery Channel. Kết quả nghiên cứu cho thấy GRB150101B có nhiều điểm giống vụ sáp nhập sao neutron GW170817. Cả hai vụ nổ sao neutron này đều bắn ra vũ trụ rất nhiều kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim hay uranium.

Tuy nhiên, nếu như GW170817 ở “tương đối gần” Trái Đất, khoảng 130 triệu năm ánh sáng thì GRB150101B cách chúng ta đến 1,7 tỷ năm ánh sáng. Và khác GW170817, với GRB150101B các nhà thiên văn không thu được dữ liệu về sóng hấp dẫn. Nguyên nhân được cho rằng có thể do khoảng cách quá xa Trái Đất.

Khôi Nguyên (Theo Sputnik)