Các nhà thiên văn tìm thấy vật thể tự nhiên tròn nhất trong vũ trụ
(Dân trí) - Kepler 11145123 là vật thể tự nhiên tròn nhất trong vũ trụ mà chúng ta đo được. Bán kính của xích đạo và các cực của ngôi sao này chỉ chênh nhau 3km. Ngôi sao này tròn hơn nhiều so với Mặt trời của chúng ta.
Một nghiên cứu mới cho biết ngôi sao cách Trái đất 5.000 năm sánh sáng là một khối cầu gần như hoàn hảo mà chúng ta quan sát được trong tự nhiên.
Thông thường, các ngôi sao, hành tinh và các thiên thể hình tròn khác thường hơi lồi ở xích đạo do lực ly tâm. Nhìn chung, các vật thể này quay càng nhanh thì các chỗ phình ra càng lớn.
Chẳng hạn như, một vòng quay của mặt trời mất 27 ngày, và đường kính xích đạo của mặt trời dài hơn 20km so với đường nối 2 cực. Một vòng quay của Trái đất mất 24h, và đường kính xích đạo của Trái đất dài hơn 42km so với đường kính nối 2 cực.
Tuy nhiên, ngôi sao Kepler 11145123 tròn hơn hẳn so với Trái đất, mặt trời và các đối tượng khác mà chúng ta đã đo được.
Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu dao động tự nhiên của Kepler 11145123 bằng kính viễn vọng không gian Kepler của NASA. Các nhà thiên văn đã quan sát nhịp độ phát sáng của ngôi sao này trong khoảng thời gian 51 tháng, từ năm 2009 tới 2013.
Các nhà nghiên cứu tính thấy rằng, đường kính xích đạo và vùng cực của Kepler 11145123 chỉ chênh lệch nhau có 6km, mặc dù đường kính của ngôi sao này là 3 triệu km – gần gấp đôi mặt trời.
Ngôi sao này tròn hơn so với tốc độ quay mà nó thể hiện. Các nhà thiên văn tin rằng, từ trường thấp có thể đóng vai trò duy trì trạng thái gần tròn xoe của ngôi sao này. Sự phát hiện này cho thấy sự khác biệt trong bán kính có thể dùng để nghiên cứu từ tính của những ngôi sao ở xa.
Ông Laurent Gizon - trưởng nhóm nghiên cứu, công tác tại viện Nghiên cứu Hệ mặt trời Max Planck cho biết họ định áp dụng phương pháp này đối với các ngôi sao khác mà Kepler quan sát được, và cũng áp dụng cho các sứ mệnh không gian sắp tới TESS và PLATO. Sẽ đặc biệt thú vị khi xem liệu việc quay nhanh hơn và từ trường mạnh hơn có làm thay đổi hình dạng ngôi sao hay không. Đây là 1 lĩnh vực lý thuyết quan trọng trong ngành vật lý thiên văn, và hiện nay chúng ta đã có thể quan sát thực tế.
Anh Thư (Tổng hợp)