1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Các nhà thiên văn phát hiện một hố đen “ợ hơi” nhanh 2 lần liên tiếp

(Dân trí) - Những sự kiện quan sát được ngoài vũ trụ sẽ giúp chúng ta phần nào hiểu thêm về thế giới đáng kinh ngạc này.

Các nhà thiên văn phát hiện một hố đen “ợ hơi” nhanh 2 lần liên tiếp - 1

Những hố đen siêu khổng lồ có chút giống loài mèo – chúng hết ăn lại ngủ. Khác với mèo, những hố đen còn “ợ hơi”, thải ra năng lượng sau bữa ăn. Những nhà thiên văn đã phát hiện một hố đen siêu khổng lồ không xa đã trải qua chu kỳ ngủ - ăn - ợ hơi hai lần trong chưa đầy 100.000 năm.

Trong một bài báo được đăng trên Tạp chí Vật lý thiên văn, các nhà nghiên cứu đã báo cáo chi tiết về nhân hoạt động của thiên hà SDSS J1354+1327, gọi tắt là J1354, cách Trái Đất 900 triệu năm ánh sáng. J1354 được quay xung quanh bởi một thiên hà đồng hành lớn hơn, và sự tương tác giữa hai thiên hà này khiến vật chất cuốn về phía hố đen siêu khổng lồ và đẩy nó vào thời kì chuẩn tinh hoạt động.


Thiên hà SDSS J1354+1327 và thiên hà đồng hành ở phía trên. Sự thoát khí từ hố đen có màu tím - Ảnh của NASA, ESA và J.Comerford (Đại học Colorado, Boulder).

Thiên hà SDSS J1354+1327 và thiên hà đồng hành ở phía trên. Sự thoát khí từ hố đen có màu tím - Ảnh của NASA, ESA và J.Comerford (Đại học Colorado, Boulder).

Tác giả chính, Giáo sư Julia Comerford đến từ Đại học Colorado, Boulder cho biết: “Chúng ta sẽ thấy vật thể này ăn, ợ hơi và ngủ, và rồi lại ăn, ợ hơi và ngủ một lần nữa, theo như lý thuyết dự đoán. Thật may là, chúng ta đã quan sát được thiên hà này vào thời điểm có thể thấy rõ cả hai sự kiện trên”.

Đội nghiên cứu đã sử dụng hai kính viễn vọng không gian (kính viễn vọng Hubble và đài thiên văn tia X Chandra) và hai cơ sở trên mặt đất (Đài quan sát W.M. Keck ở Hawaii và Đài quan sát Apache Point ở New Mexico) để mô tả đặc điểm vật thể.

Với dữ liệu này, đội nghiên cứu có thể củng cố rằng hai đặc điểm này – một ở phía bắc và một ở phía nam của các thiên hà – thuộc về hố đen siêu khổng lồ và chúng không xảy ra cùng lúc. Sự thoát khí đầu xảy ra khoảng một triệu năm trước khi có những gì chúng ta nhìn thấy ở thiên hà hiện nay.

Các quan sát từ đài thiên văn Chandra làm nổi bật cường độ một hố đen siêu khổng lồ có thể đạt được. Bụi và khí cuốn về phía hố đen bị nung nóng lên đến hàng triệu độ và vật chất nóng này cuối cùng bao phủ hố đen.

Sự thoát khí không thường xuyên từ hố đen giúp chúng ta hiểu được những người khổng lồ của vũ trụ này hoạt động ra sao. Những hoạt động này có lẽ không phải rất phổ biến, nhưng cũng không hề kì lạ. Ngay cả Dải ngân hà của chúng ta và hố đen siêu khổng lồ đang ngủ của nó cũng từng có vài hoạt động tương tự trong quá khứ.

Lộc Ninh (Theo IFLScience)