1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Các nhà làm phim giữ an toàn thế nào khi ghi hình động vật hoang dã? (P2)

(Dân trí) - Để có được những bức ảnh, thước phim đẹp về các loài động vật hoang dã, những nhiếp ảnh gia, nhà quay phim cần nắm bắt nhiều quy tắc quan trọng để giữ cho bản thân được an toàn.

Kinh nghiệm bản thân

Không phải chỉ mua một số thiết bị đắt tiền là bạn đã có thể trở thành một nhiếp ảnh gia động vật hoang dã, bạn cần thời gian rèn luyện và kinh nghiệm thực tiễn để có được những tác phẩm tốt như các nhà nhiếp ảnh và quay phim thực thụ.

Các nhà làm phim giữ an toàn thế nào khi ghi hình động vật hoang dã? (P2) - 1

Các nhiếp ảnh gia phải cần nhiều kinh nghiệm bản thân để giữ an toàn khi chụp ảnh các loài động vật hoang dã

Bạn cũng cần có khả năng nhận biết các tín hiệu khó nhận thấy của tự nhiên, sự thay đổi hành vi của một số loài động vật, chu kỳ hằng ngày của hệ sinh thái và bản năng để biết được lúc nào có điều gì đó sắp xảy ra... Những nhận biết về thiên nhiên và động vật hoang dã này chỉ có thể có được sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh chụp ảnh động vật. Chính kinh nghiệm của bản thân giúp cho những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp an toàn và tìm được những vị trí tốt để có thể ghi được những thước phim ấn tượng về các loài động vật hoang dã.

Nguyên tắc không can thiệp

Một số loài động vật, đặc biệt là những loài ở đồng cỏ hoang mạc châu Phi, hoặc những vùng thường hay có du khách tham quan, đều đã quen với việc nhìn thấy con người, một số loài trước đây đã từng được tiếp xúc với con người.

Nếu như chúng ta không thể hiện mình là một mối nguy thì hầu hết các loài động vật sẽ cố gắng hết sức không gây chiến với con người. Ví dụ như đối với hai loài động vật khác nhau trong tự nhiên đều là loài ăn cỏ, nếu cả hai đều cảm thấy an toàn và thoải mái thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra giữa chúng cả.

Các nhiếp ảnh và quay phim động vật hoang dã cũng cần phải ghi nhớ nguyên tắc này để đảm bảo an toàn khi tác nghiệp.

Các nhà làm phim giữ an toàn thế nào khi ghi hình động vật hoang dã? (P2) - 2

Đừng can thiệp vào hoạt động của các loài động vật hoang dã khi đang chụp ảnh hoặc quay phim về chúng

Dấn thân vào đời sống của các loài vật khi chúng đang săn mồi hoặc bảo vệ con của mình là một sai lầm ngớ ngẩn mà ngay cả những chuyên gia có kinh nghiệm cũng có thể mắc phải. Mặc dù các sự cố và các cuộc tấn công vẫn có thể xảy ra, nhưng sự kết hợp giữa việc giữ bình tĩnh, ứng dụng những gì đã được huấn luyện và việc biết càng nhiều càng tốt về hành vi của các loài động vật sẽ giúp bạn giữ an toàn.

Tận dụng lợi thế của công nghệ

Một thế kỷ trước, chụp được những bức ảnh động vật hoang dã ấn tượng là một việc khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều so với thời nay. Ở thời điểm đó họ thiếu những loại máy ảnh công nghệ zoom hiện đại, vệ tinh giúp xác định vị trí địa lý, trực thăng để tiếp cận các địa điểm từ xa, công nghệ số để quay phim liên tục và chụp hàng nghìn bức ảnh như bây giờ... Khi nhu cầu cho ra đời những bức ảnh và video tuyệt vời ngày càng tăng, các tiến bộ công nghệ đã giúp cho việc quay phim các loài động vật hoang dã trở nên dễ dàng hơn.

Sự tiến bộ của máy ảnh và ống kính đã làm thay đổi cuộc chơi, những thiết bị bay không người lái đã cho ra những bức ảnh tuyệt vời. Những bức ảnh chụp từ trên cao trên các thung lũng hay bên rìa những tảng băng trôi đều nhờ vào công nghệ bay không người lái này. Ở những nơi xa xôi chẳng hạn như các đảo hay Nam cực, những nơi không thể sử dụng trực thăng được, thiết bị bay không người lái có thể giúp nhiếp ảnh gia chụp được những bức ảnh từ xa mà không cần tiếp cận.

Bẫy ảnh là một một mẹo phổ biến khác thường được các nhà quay phim sử dụng, đặc biệt là đối với những loài động vật nguy hiểm và hay nghi ngờ có sự hiện diện của con người. Nếu phát hiện ra có nhóm quay phim, một số loài vật sẽ không quay trở lại vị trí đó trong một vài ngày hoặc có thể là vài tuần. Bẫy máy ảnh được kích hoạt bằng chuyển động, sẽ tự động ghi hình khi xuất hiện các loài động vật. Các nhà quay phim sẽ sử dụng thức ăn hoặc mồi nhử để thu hút những loài vật hay xuất hiện trước máy quay rồi ghi lại hình ảnh.

Một số người xem bẫy ảnh là hành vi gây tác động đến môi trường sống tự nhiên, tuy nhiên, những người khác lại cho rằng đây là những chiến lược ít xâm phạm các loài vật hơn là đưa con người len lỏi vào giữa các bầy thú.

Có lẽ đối với các nhiếp ảnh gia nghiệp dư cũng như chuyên nghiệp, việc bảo tồn sự an toàn và bất khả xâm phạm của các loài động vật hoang dã là điều quan trọng nhất. Bảo vệ an toàn của bản thân trước sự tấn công của chúng cũng quan trọng không kém, do đó, đừng vì thiếu kinh nghiệm hay bất cẩn mà đặt mình vào những tình thế nguy hiểm. Do đó, bất kỳ công cụ hoặc công nghệ nào có thể làm giảm được sự xung đột giữa con người và các loài vật đều được khuyến khích sử dụng.

Có thể nói, trở thành một nhiếp ảnh gia động vật hoang dã là một công việc hết sức thử thách, đòi hỏi kiên nhẫn nhưng cũng là nguồn cảm hứng. Để thực hiện công việc này một cách an toàn, cần phải xem xét một số điều lưu ý và lập kế hoạch cụ thể. Một bức ảnh để đời không đáng để các nhiếp ảnh gia phải liều mạng và làm các loài vật hoang dã lâm vào tình thế nguy hiểm.