Các nhà khoa học Việt Nam và thế giới công bố sách đỏ về các loài sồi

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Các nhà khoa học Việt Nam và thế giới vừa công bố Sách đỏ về các loài thuộc chi Sồi (Quercus), họ Dẻ - Fagaceae trên phạm vi toàn cầu năm 2020.

Các nhà khoa học Việt Nam và thế giới công bố sách đỏ về các loài sồi - 1

Nghiên cứu cho thấy tổng số loài thuộc chi Sồi được ghi nhận trên thế giới là 430 loài, trong đó khoảng 31% các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Các loài thuộc chi Sồi được ghi nhận có phân bố ở 90 nước trên thế giới và Việt Nam được đánh giá là một trong 4 trung tâm đa dạng nhất về thành phần loài của chi Sồi phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên Việt Nam cũng là nước có tỉ lệ phần trăm số loài bị đe dọa tuyệt chủng lớn nhất thế giới (41%), với 20 trong tổng số 49 loài được xếp vào các nhóm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng cao theo chuẩn của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Sồi là nhóm thực vật chiếm ưu thế và có vai trò sinh thái quan trọng trong các kiểu rừng nhiệt đới, tuy nhiên với tốc độ mất rừng ngày càng tăng, diện tích rừng nhanh chóng bị thu hẹp dẫn tới sự biến mất của một số lượng lớn các loài động thực vật, trong đó có không ít các loài thuộc chi Sồi, thậm chí có cả những loài đã có thể bị tuyệt chủng trước khi được biết đến sự tồn tại của nó.

Các phân tích về nguy cơ đe dọa tuyệt chủng đối với các loài thuộc chi Sồi trên toàn thế giới cũng cho thấy, dịch bệnh, sinh vật ngoại lai và biến đổi khí hậu là những nguy cơ đe dọa chính đối với nhóm này tại Mỹ, trong khi tại các nước Đông Nam Á và Trung Mỹ thì việc suy giảm diện tích rừng do mất rừng, các hoạt động nông nghiệp và đô thị hóa là những nguy cơ chính.

Các nhà khoa học Việt Nam và thế giới công bố sách đỏ về các loài sồi - 2

Kết quả nghiên cứu là chỉ báo quan trọng giúp các quốc gia có cơ sở khoa học để xây dựng chiến lược quản lý và bảo tồn các loài Sồi nói riêng và giá trị đa dạng sinh học nói chung. Báo cáo cũng kêu gọi hợp tác nhằm nâng cao năng lực bảo tồn tại các trung tâm đa dạng toàn cầu về Sồi ở Trung Mỹ, Đông Nam Á và Trung Quốc.

Việt Nam có 2 nhà khoa học tham gia nghiên cứu này là GS.TS. Hoàng Văn Sâm trường Đại học Lâm Nghiệp và TS. Nguyễn Văn Ngọc trường Đại học Đà Lạt.

Sách có thể tham khảo và tải miễn phí tại: https://bit.ly/RLOaks