Các nhà khoa học tìm thấy “hóa thạch” mới nhất sau vụ nổ Big Bang
(Dân trí) - Một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế vừa tuyên bố đã phát hiện ra một trong ba đám mây hóa thạch duy nhất được biết đến trong vũ trụ còn tồn tại từ thời xảy ra vụ nổ Big Bang.
Phát hiện này được cho là vô cùng quan trọng vì nó sẽ cung cấp dữ liệu mới về sự hình thành của các thiên hà đầu tiên trong vũ trụ.
Đám mây khí được hình thành sau vụ nổ lớn Big Bang được phát hiện qua kính viễn vọng của Đài thiên văn WM Keck ở Maunakea, Hawaii, Mỹ.
Việc phát hiện "hóa thạch" được thực hiện bởi nghiên cứu sinh Fred Robert và Giáo sư Michael Murphy tại Đại học Công nghệ Swinburne ở Úc.
Fred Robert cho biết, đám mây đặc biệt này có vẻ rất nguyên sơ, không có ảnh hưởng bởi các ngôi sao. Nó có thể đã xuất hiện khoảng 1.500 triệu năm sau Vụ nổ lớn.
"Giải thích thuyết phục nhất là nó là một di tích thực sự của Vụ nổ lớn", ông nói.
Theo thông tin từ Đài thiên văn WM Keck, hai đám mây hóa thạch khác đã được phát hiện vào năm 2011.
"Phát hiện mới này sẽ cho chúng ta biết chính xác mức độ hiếm của chúng và sẽ giúp chúng ta hiểu làm thế nào một số ngôi sao và thiên hà hình thành trong vũ trụ sơ khai và tại sao một số thì không", Fred Robert nhấn mạnh.
Minh Long (Theo Yahoo)