1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Các nhà khoa học phát hiện cách mới đột phá để chống vi khuẩn kháng kháng sinh

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã xác định được điểm yếu trong các vi khuẩn gây bệnh mà có thể được sử dụng để phát triển các loại thuốc giải quyết tình trạng kháng kháng sinh.

Các nhà khoa học phát hiện cách mới đột phá để chống vi khuẩn kháng kháng sinh - 1

Việc khai thác điểm yếu trong lớp vỏ xung quanh các vi khuẩn gây bệnh có thể mở ra cánh cửa cho các loại thuốc mới và làm hồi sinh các loại thuốc cũ đã bị loại bỏ do không còn hiệu quả nữa.

Kháng kháng sinh được Tổ chức Y tế Thế giới mô tả là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu". Trưởng phòng y tế Anh, giáo sư Dame Sally Davies đã cảnh báo về "sự tận thế sau kháng sinh" trừ khi có sự phát triển các thuốc mới.

Nghiên cứu mới này đã xác định được điểm yếu trong "bức tường" bảo vệ xung quanh các tế bào vi khuẩn, có thể là mục tiêu cho kháng sinh. Nó được tiến hành bởi một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế và xuất bản trên tạp chí PLOS Biology.

Các vi khuẩn Gram âm - nhóm chịu trách nhiệm về các bệnh bao gồm bệnh dịch hạch và bệnh lậu - được bao quanh bởi hai màng được gọi chung là vỏ bọc.

Bằng cách phá vỡ các kết nối trong bức tường bảo vệ này, các nhà khoa học nhận thấy nó có thể làm giảm phản ứng bảo vệ của vi khuẩn đối với kháng sinh.

Giáo sư Jean-François Collet thuộc Đại học Catholique de Louvain, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Trên lớp vỏ có một loại protein phục vụ như là người bảo vệ. Vì vậy khi có kháng sinh đến, protein này cảm nhận và sau đó sẽ quay lại bên trong và tiếp cận một protein khác trên lớp màng bên trong, và chúng sẽ truyền thông tin”

Sự truyền thông tin này cho phép vi khuẩn phát triển sức đề kháng với kháng sinh. Vi khuẩn có thể phát hiện và khắc phục những thiệt hại gây ra bởi kháng sinh, hoặc thậm chí chủ động loại bỏ thuốc sau khi nó vào tế bào.

Giáo sư Collet chia sẻ: "Chúng tôi chỉ ra rằng nếu bạn tăng khoảng cách giữa hai bức tường, protein quay lại bên trong và cố gắng tiếp cận bạn bè của nó trên lớp màng bên trong, nhưng nó sẽ không thể chạm tới được”.

Có những protein khác kiểm soát khoảng cách giữa các màng. Và giáo sư Prof Collet cùng các cộng tác viên phát hiện ra rằng làm lộn xộn các protein này gây ra sự phá vỡ thông tin liên lạc trong vi khuẩn. "Bằng cách làm lộn xộn các protein này, chúng ta có thể làm rối loạn cấu trúc tổng thể của vỏ bọc tế bào”, ông nói.

Hiện Giáo sư Collet đang làm việc với các công ty dược phẩm để phát triển các chất mới có thể làm xáo trộn các thành tế bào của vi khuẩn và cuối cùng là chiến đấu với bệnh tật.

Tiến sĩ Richard Stabler, đồng giám đốc của Trung tâm Kháng kháng sinh của Trường Vệ sinh và Y học nhiệt đới London, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: "Nghiên cứu này xác định một mục tiêu mới tiềm năng cho các liệu pháp kháng khuẩn mới mà có thể sử dụng để điều trị các vi khuẩn có khả năng đề kháng với các loại kháng sinh khác. Nhưng để dẫn tới các loại thuốc mới, còn cả một chặng đường dài phía trước ".

Như với bất kỳ loại thuốc mới nào, loại kháng sinh gây rối thành tế bào vi khuẩn sẽ cần phải trải qua một quá trình dài để kiểm tra độ an toàn và hiệu quả trước khi sử dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Clare Taylor, Tổng thư ký của Hiệp hội Vi sinh học Ứng dụng, người cũng không tham gia nghiên cứu – làm rối loạn khả năng cảm nhận của vi khuẩn cũng có thể được đưa vào các thuốc kháng sinh đang bị loại bỏ do tình trạng kháng kháng sinh để chúng có thể tiếp tục sử dụng.

Bà cho rằng "Nếu phá vỡ tiềm năng cảm nhận màng trong một vi khuẩn, nó sẽ mất khả năng loại bỏ kháng sinh. Điều đó có thể có nghĩa là rất nhiều loại kháng sinh có thể trở lại cuộc chơi"

Mặc dù điều này sẽ giúp tiết kiệm được những nỗ lực phát triển thuốc mới, nhưng không có nghĩa là chúng ta chỉ có thể dựa vào các loại thuốc hiện có.

Tiến sĩ Taylor cho biết: "Tôi e rằng theo thời gian vi khuẩn sẽ tìm ra cách xung quanh chúng. Nó giống như là “Cuộc sống sẽ tự tìm cách” (Life finds a way – câu thoại nổi tiếng trong phim Thế giới khủng long).

Đào Hiền (Theo Independent)