Các khu rừng trên khắp Trái đất đang ngày càng “trẻ hoá”
(Dân trí) - Biến đổi khí hậu đang dẫn đến những khu rừng trẻ hơn và thấp hơn trên toàn cầu, đẩy lùi thế giới của những cây già.
Báo cáo trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm năng lượng quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương (PNNL) của Mỹ và một số tổ chức nghiên cứu khác đã điều tra về nạn phá rừng cùng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới các khu rừng trên hành tinh thế kỷ qua.
Bằng cách xem xét hơn 160 tài liệu nghiên cứu trước đó và kết hợp các phát hiện mới với hình ảnh vệ tinh, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thay đổi môi trường do con người gây ra đang làm giảm số lượng cây già và lớn hơn, thay thế chúng bằng những khu rừng thấp hơn và trẻ hơn.
Tiến sĩ Tom Pugh, tác giả nghiên cứu, nhà khoa học tại Viện nghiên cứu lâm nghiệp Birmingham ở Anh, cho biết nghiên cứu này đánh giá các bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang gia tăng tỷ lệ chết của cây, ngày càng đẩy các khu rừng trên thế giới trở nên trẻ hơn và ngắn hơn.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm khả năng lưu trữ carbon và khả năng dịch chuyển lớn trong hỗn hợp các loài tạo ra và sinh sống trong các khu rừng này.
Rừng đóng một vai trò quan trọng trong các chu trình cacbon của hệ sinh thái toàn cầu, hút và lưu trữ một lượng lớn carbon dioxide. Trên hết, chúng cũng là nơi có lượng đa dạng sinh học đáng kinh ngạc, có thể giúp điều chỉnh lượng mưa và có thể ngăn chặn lũ lụt.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những khu rừng trẻ hơn không có khả năng hoàn thành các vai trò này. Điều đó có thể gây ra một vòng luẩn quẩn thúc đẩy những thay đổi môi trường hơn nữa.
Một hành tinh tương lai với ít rừng già, rộng lớn sẽ rất khác so với những gì chúng ta đã quen thuộc. Các khu rừng già thường lưu trữ đa dạng sinh học cao hơn nhiều so với các khu rừng trẻ và chúng lưu trữ nhiều cacbon hơn các khu rừng trẻ, tiến sĩ Nate McDowell, tác giả nghiên cứu chính lo ngại.
Trang Phạm
Theo IFL Science